Không gian nhà của người Hà Nhì

Nhà ở nói chung và nhà của người Hà Nhì nói riêng đều phản ánh đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa thành viên gia đình với môi trường tự nhiên. Trong đó, cấu trúc không gian là đặc trưng quan trọng, phản ánh mối quan hệ xã hội trong ngôi nhà người Hà Nhì.

Qua nghiên cứu thực tế tại thôn Lao Chải và thôn Choản Thèn, xã Y Tý (huyện Bát Xát) thì thấy, nhà ở của người Hà Nhì là nhà nền đất, cấu tạo như hình vuông, chiều rộng nền nhà khoảng 9 m, chiều ngang 7 m. Những ngôi nhỏ hơn thì chiều rộng 7 m, chiều ngang 5 m. Tường trình bằng đất màu vàng sậm. Mái nhà dốc khoảng 60 độ, lợp cỏ tranh, nhìn ngôi nhà như mang dáng dấp của chiếc lều du mục cổ xưa.

Không gian bên trong nhà của người Hà Nhì bao gồm nơi thờ cúng, nơi ngủ, nơi ăn, bếp… và các sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Không gian bên ngoài gồm nơi ngủ của khách, hành lang đi lại và chuồng gia súc. Hai không gian trong và ngoài được ngăn cách bởi bức tường cao 2,5 m, rộng 40 cm, chạy dài từ đầu nhà này sang đầu nhà kia. Bức tường có một cửa mở bên phải ngôi nhà.

Hai bức tường bên cửa ngôi nhà thường ngày chỉ đóng vai trò giới hạn giữa bên trong và bên ngoài, nhưng trong lễ cúng thần cửa, hai bên tường trở thành không gian thiêng. Ở đây, thầy cúng sẽ đảm nhiệm lễ cầu khấn thần cửa phù hộ cho các thành viên trong gia đình. Không gian dưới chạn bát ngày thường là nơi ẩm thấp, nhưng ngày cúng thần vật nuôi thì trở thành không gian thiêng. Thời gian thiêng (thời gian hành lễ, giao tiếp với thần linh) thì các địa điểm tổ chức nghi lễ đó cũng trở thành không gian thiêng.

Không gian trong/ngoài trở thành cặp không gian đối lập giữa chủ và khách. Không gian bên trong chỉ dành riêng cho các thành viên gia đình còn không gian bên ngoài chỉ dành riêng cho khách. Nhà của người Hà Nhì có hệ thống không gian văn hóa - xã hội riêng, cũng tạo thành những cặp đối lập: không gian thiêng/tục, không gian nam/nữ, không gian già/trẻ.

Trong ngôi nhà người Hà Nhì, không gian thiêng là không gian tâm linh, nơi con người giao tiếp với thần linh, đặt vật thiêng… Trung tâm của không gian thiêng chính là bàn thờ tổ tiên, kê sát vách ngăn của gian giữa ngôi nhà và buồng cô dâu, ngay cạnh cột cái. Theo quan niệm của người Hà Nhì, nơi đặt bàn thờ là nơi linh thiêng nhất của ngôi nhà, phụ nữ, người ngoài không được đến khu vực này. Mỗi gia đình người Hà Nhì có một chiếc giỏ tre hoặc giỏ mây để đựng đồ cúng tổ tiên. Người Hà Nhì quan niệm cột cái là cột thiêng - nối liền ngôi nhà với thế giới trên trời, để tổ tiên đi về. Không gian thiêng nhà còn có vị thần nhà, thể hiện bằng hòn đá thiêng hình chữ nhật, chôn ở bệ cao nơi đặt bếp lửa nấu ăn, tiếp khách.

Nhà ở của người Hà Nhì có các không gian ngủ khác nhau. Ông chủ nhà cao tuổi nhất thường nằm ở giường cao nhất, kê trên không gian tiếp khách và bếp. Giường ngủ của bà chủ tiếp nối với giường của ông chủ nhưng thấp hơn khoảng 2 cm. Nơi ngủ của vợ chồng con trai cả là căn buồng phía sau nơi ngủ của bà. Nơi ngủ của vợ chồng con trai thứ hai là phía đầu bên kia đối diện với buồng người con trai thứ nhất qua gian giữa ngôi nhà... Trong buồng của vợ chồng người con trai cả và người con trai thứ, kiêng không cho người lạ, bố chồng, anh chồng được bước vào trong buồng.

Không gian ngủ của khách là giường ở ngoài nhà. Khi có khách, tất cả những người không thuộc thành viên trực tiếp của gia đình đều ngủ ở gian ngoài. Tuy nhiên, giường ngủ gian ngoài khi vắng khách cũng là nơi “tập kết” của các thành viên gia đình trước khi vào nhà. Người nhà có thể nghỉ tạm ở đây. Khi người vợ sinh con, người chồng phải ngủ ở giường khách từ 2 đến 3 tháng.

Khi ăn uống bình thường, người già, con trai, các cháu nhỏ ăn gần giường ngủ của bà chủ nhà. Nhưng cô dâu không được ăn cùng mâm với bố chồng, anh chồng và họ chỉ ăn sau, ở dưới nền đất. Khi ăn cơm, vị trí ngồi của những người già đều nằm ở vị trí trang trọng, gần với không gian thiêng. Còn người trẻ tuổi, trẻ nhỏ thì ngồi xa bếp lửa, trung tâm không gian thiêng của thần nhà. Khi ăn cơm trong gia đình, người phụ nữ không được ngồi ăn cùng bố chồng, anh chồng; còn trong ngày lễ, tết, họ là người ăn sau cùng và mâm cơm của họ phải bày dưới nền đất chứ không được kê lên bục sinh hoạt chung của gia đình.

Nhà ở của người Hà Nhì đã hình thành các không gian phản ánh các mối quan hệ giữa con người với thần linh, giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa người nhà và người ngoài… Không gian của ngôi nhà được định hình với các chức năng khác nhau, phản ánh đặc trưng của tộc người về quan hệ gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc…

Trình bày: Hoàng Thu

Bài viết sử dụng các hình ảnh của cộng tác viên

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khong-gian-nha-cua-nguoi-ha-nhi-post386105.html
Zalo