Không gian ngầm tạo động lực phát triển Thủ đô

Tại Kỳ họp thứ 25 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP nhằm thi hành khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024.

Cùng với đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tạo hành lang quan trọng góp phần tháo gỡ các nút thắt về quy hoạch không gian ngầm.

Ưu tiên công trình ngầm phục vụ phát triển đường sắt đô thị

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng trong những năm gần đây, quy mô xây dựng đô thị của Hà Nội ngày càng mở rộng, mức độ đô thị hóa không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, khi đất xây dựng ngày càng giảm, giao thông trở nên tắc nghẽn và chất lượng môi trường ngày càng đi xuống. TP Hà Nội đang phải đối mặt với áp lực tăng về nhiều phương diện. Vì vậy, việc phát triển không gian ngầm đô thị được chú trọng nhiều hơn. Cụ thể HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết ban hành Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đợt 1 (thi hành khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024). TP sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các công trình ngầm phục vụ phát triển đường sắt đô thị, bao gồm: tuyến đường sắt đô thị ngầm, nhà ga ngầm và các công trình ngầm khác liên quan; công trình ngầm kết nối với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, thể dục thể thao…).

Phát triển không gian ngầm tạo hành lang quan trọng tháo gỡ các nút thắt về quy hoạch và giao thông đô thị. Ảnh: Thanh Hải

Phát triển không gian ngầm tạo hành lang quan trọng tháo gỡ các nút thắt về quy hoạch và giao thông đô thị. Ảnh: Thanh Hải

Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung đầu tư các công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị, bao gồm: hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm; công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm cung cấp năng lượng, phục vụ chiếu sáng công cộng, viễn thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng, an toàn môi trường; công trình dịch vụ công cộng ngầm có chức năng văn hóa, thể thao, thương mại, phát triển du lịch.

Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1), bao gồm: Danh mục các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ngầm, với 8 tuyến có tổng chiều dài khoảng 320,25km, 191 nhà ga, trong đó có 81,2km đi ngầm và 68 ga ngầm. Danh mục đầu tư xây dựng hầm giao thông đường bộ, bãi đỗ xe ngầm và công trình công cộng ngầm, gồm: 85 công trình, trong đó có 5 hầm chui đường bộ, 78 bãi đỗ xe ngầm và 2 công trình công cộng ngầm. Danh mục các tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung, gồm: 95 tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, việc ban hành danh mục này là bước cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 và các chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, ưu tiên tạo cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp mạnh cho Thủ đô để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, quy hoạch và sử dụng không gian ngầm.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Giang - Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để bảo đảm không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết. Những nguyên tắc này bao gồm việc làm rõ quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm, thiết lập các giới hạn độ sâu phù hợp với từng mục đích phát triển, và bảo đảm tính tương thích giữa những mục đích sử dụng khác nhau. Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch dự trữ không gian ngầm cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, bao gồm cả không gian ngầm và không gian bề mặt cho các kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

Tăng cường kết nối

Khu vực nội đô lịch sử và mở rộng của Hà Nội đã gần như không còn dư địa phát triển trên bề mặt, do mật độ xây dựng và dân cư quá cao. Mạng lưới giao thông mặt đất đang quá tải trầm trọng, đặc biệt là tại các nút giao trọng điểm, trong khi công tác mở rộng đường gặp nhiều khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các tầng hầm hiện hữu chủ yếu mang tính đơn lẻ, nằm trong các tòa nhà, trung tâm thương mại quy mô nhỏ, thiếu liên kết với các điểm trung chuyển giao thông, bệnh viện, trường học hay trung tâm mua sắm lớn. Điều này dẫn đến lãng phí tài nguyên không gian và khiến việc tổ chức đô thị thiếu tính đồng bộ.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định, việc ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh quỹ đất trên mặt đất ngày càng hạn chế. Việc đầu tư các công trình ngầm sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ngập úng, tăng thêm không gian công cộng và bãi đỗ xe tại nội đô. Cùng với đó, tạo hành lang pháp lý để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các công trình quy mô lớn, đa chức năng, có tính lan tỏa như metro ngầm, bãi đỗ xe ngầm, trung tâm văn hóa ngầm.

Đồng thời, đây cũng là giải pháp chiến lược nhằm nâng cấp hệ thống kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, thông minh và hiện đại. Đáng chú ý, xu hướng phát triển đô thị ngầm đã được nhiều TP lớn trên thế giới triển khai từ sớm như Tokyo, Seoul, Singapore, Paris… Các đô thị này đều đã xây dựng danh mục công trình ngầm ưu tiên đầu tư, gắn với quy hoạch tổng thể về giao thông, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Hà Nội đã và đang đang nỗ lực học hỏi và ứng dụng linh hoạt mô hình phát triển này để tạo bước đột phá trong phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai đồng bộ danh mục công trình ngầm, cùng với chính sách ưu đãi, huy động vốn ngoài ngân sách sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư hạ tầng theo chiều sâu, từ đó mở rộng không gian phát triển mà không cần mở rộng diện tích hành chính.

Trong các quy định pháp luật về công tác quy hoạch, quản lý, công trình ngầm bắt đầu được quy định rõ ràng và cụ thể hơn. Đặc biệt, khi nền kinh tế phát triển, những nội dung được nêu ra cách đây hàng chục năm bắt đầu được quan tâm hơn. Chính vì vậy, việc Hà Nội ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP là hợp lý và đúng lúc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầngkỹ thuật (Bộ Xây dựng)

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-gian-ngam-tao-dong-luc-phat-trien-thu-do.780344.html
Zalo