Không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài trên đàn vật nuôi

Địa phương đã và đang có dịch bệnh động vật cần công bố dịch cấp huyện, tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.

Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn. Ảnh minh họa: Văn Sĩ - TTXVN

Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn. Ảnh minh họa: Văn Sĩ - TTXVN

Ngày 2/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh trên đàn vật nuôi.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại dịch bệnh động vật, nhất là các bệnh: cúm gia cầm, dại, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, ngày 16/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Đối với các địa phương đã và đang có dịch bệnh động vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài; yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo quy định.

Các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt, kịp thời bố trí kinh phí, hóa chất, vaccine và hỗ trợ chính quyền cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương để tổ chức chống dịch, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do dịch bệnh động vật.

Các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tạm dừng giết mổ động vật, siết chặt quản lý giết mổ động vật trên địa bàn đang có dịch bệnh xảy ra theo đúng quy định.

Các địa phương tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng (bằng hóa chất, vôi bột,...), tiêu độc tại từng cơ sở chăn nuôi có dịch bệnh, trên địa bàn cấp thôn, bản, ấp, địa bàn cấp xã nơi đang có dịch và nơi tiếp giáp có nguy cơ cao. Mua vaccine tập trung để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng tại các địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt đối với bệnh: cúm gia cầm, dại, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… Hàng ngày thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương trên cả nước hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phố tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi và căn cứ tình hình dịch bệnh, lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng vaccine của Cục Thú y để tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà đợt II/2024.

Đồng thời, rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung đối với đàn vật nuôi mới phát sinh hoặc đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch; trong đó tập trung, ưu tiên tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt, cúm gia cầm, dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi có tại thời điểm tiêm.

Địa phương tổ chức giám sát chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó là tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Tại tỉnh Bắc Kạn, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản số 4082/UBND-NNTNMT gửi hỏa tốc tới các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, UBND các huyện, thành phố, nhằm tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả giải pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả giải pháp, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo tinh thần Công điện số 58/CĐ-TTg, ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt coi công tác phòng, chống và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay với phương châm “phòng chống dịch như chống giặc ”, “ phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”.

Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi hiện có được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất; rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của địa phương năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đảm bảo phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường chỉ đạo lực lượng tại cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch, vi phạm các quy định Luật Thú y ngay tại cơ sở. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống dịch theo quy định; hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán nguồn kinh phí liên quan đến công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Từ đầu năm đến nay, tại Bắc Kạn, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra tại trên 2.900 hộ dân, ở trên 600 thôn, của 97 xã thuộc 8 huyện, thành phố, làm gần 13.700 con lợn chết, tiêu hủy với khối lượng trên 536 tấn lợn, ước tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng, với tổng số lợn buộc tiêu hủy chiếm khoảng 5% tổng đàn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan ra trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ thịt lợn trên thị trường.../.

Bích Hồng - Sơn Hải/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khong-de-dich-benh-dai-dang-keo-dai-tren-dan-vat-nuoi/339187.html
Zalo