Không có điểm 10 Ngữ văn, có phải là một tín hiệu đáng mừng?
Đã từng có những năm, người ta dị ứng với điểm 10 môn Ngữ văn. Không phải vì học trò kém, mà vì điểm 10 đến quá dễ dãi như thể chỉ cần học thuộc lòng vài đoạn văn mẫu, trích đúng vài câu triết lý chung chung là đủ để chạm ngưỡng hoàn hảo.
Môn học lẽ ra để khơi gợi cảm xúc, đánh thức tư duy lại bị biến thành một cuộc đua thuộc lòng công thức. Và điểm 10 thay vì là phần thưởng cho sự sáng tạo lại thành... nỗi nghi ngại của nhiều người.
Vậy nên năm nay, khi không còn một điểm tuyệt đối nào trong hơn một triệu bài thi môn Ngữ văn, lạ thay, nhiều người lại thấy... nhẹ nhõm, vui mừng. Nhẹ vì đã đến lúc ta trả môn Ngữ văn về đúng bản chất của nó một môn học đặc thù không đo bằng khuôn mẫu, mà bằng chiều sâu cảm xúc, sức nặng lập luận và chất liệu chân thật của từng suy nghĩ.
Phổ điểm đẹp, tín hiệu đưa môn Ngữ văn về đúng thực chất
Cô giáo Minh Loan, giáo viên một trường trung học thuộc tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: "Với đặc thù của môn Ngữ văn là môn đánh giá năng lực cảm thụ, lập luận, diễn đạt sáng tạo, cộng với đề thi năm nay mức độ dài và khó cho ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa mà học sinh phải giải quyết trong thời gian cố định như mọi năm thì thiệt tình khó có bài hoàn hảo 100% là điều dễ hiểu".
Bạn thử tưởng tượng: hơn một triệu bài thi Ngữ văn, điểm trung bình là 7.0, điểm trung vị là 7.25. Không cần điểm 10 để chói lòa, vì mỗi bài làm năm nay đã sáng theo cách rất riêng, rất sáng bằng công sức, bằng cảm xúc, bằng suy nghĩ thật của các em học sinh. Đó không phải bằng những đoạn Ngữ văn "thuộc nằm lòng" như trước, hay thì có hay nhưng ít thật.
Một nền giáo dục không đi tìm những con số ảo, mà đang học cách chậm lại, soi chiếu đúng năng lực của người học, đây mới là điều khiến người trong nghề thấy vui.
Chúng ta từng xao xuyến khi đọc những bài thi đạt điểm tuyệt đối bởi sự trong trẻo, tinh tế. Nhưng giờ đây, ta xúc động theo một cách khác: khi một học sinh chia sẻ rằng: "Em tiếc vì không làm trọn vẹn, nhưng em thấy đề Ngữ văn năm nay công bằng và đáng học."
Hay như cô giáo Minh Loan bày tỏ: "Một đề thi mở, không nhắm vào học vẹt, mà đánh thức tư duy, ấy là cách giáo dục Ngữ văn chương nên đi."
Từ phổ điểm Ngữ văn năm nay, nhà trường và giáo viên có thêm nhiều bài học
Khi không còn điểm 10 môn Ngữ văn một cách dễ dãi, khi phổ điểm Ngữ văn năm nay được đánh giá là "quá đẹp" cũng là cơ hội để giáo viên và nhà trường soi chiếu lại hành trình dạy học Ngữ văn trong suốt thời gian qua.
Giáo viên đã không còn luyện Ngữ văn mẫu kiểu "thuộc lòng để lấy điểm". Mỗi bài viết là một thế giới riêng, mỗi học sinh là một tiếng nói cần được lắng nghe. Thay vì dạy các em cách viết để đạt điểm thật cao, thầy cô đã dạy các em viết để hiểu mình, để đồng cảm với đời.
Văn chương không cần tròn trịa, Văn chương cần chân thực. Và giáo dục cũng vậy. Không cần quá nhiều điểm tuyệt đối. Chỉ cần những con đường học tập tử tế.
Một bài viết điểm cao chưa chắc khiến học trò trưởng thành. Nhưng một bài viết mà học trò tự mình nghiền ngẫm, trải lòng, lúng túng và rồi chợt nhận ra điều gì đó về cuộc sống mới thật sự quý giá. Giáo viên không còn đóng vai người "truyền đáp án", mà trở thành người khơi gợi và đồng hành.
Đề thi Ngữ văn năm nay với ngữ liệu mở, yêu cầu viết ngắn mà sâu sắc cũng chính là lời nhắc: "Không còn chỗ cho sự sáo rỗng. Chỉ còn chỗ cho những em thật sự nỗ lực, biết nghĩ, biết cảm và biết viết thật."