Không chủ quan với diễn biến mưa lũ

Mưa lớn những ngày qua đã khiến mực nước nhiều hồ chứa đầy nước. Theo số liệu thống kê đến sáng 9/11, ít nhất 17 hồ thủy điện đang điều tiết qua tràn. Trước những diễn biến thời tiết thời gian gần đây, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương rà soát lại các kịch bản phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, xả lũ nhằm bảo đảm việc ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Các địa phương rà soát lại các kịch bản phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. (Ảnh minh họa)

Các địa phương rà soát lại các kịch bản phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. (Ảnh minh họa)

Mưa lớn kéo dài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở

Theo báo cáo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 19 giờ ngày 7/11 đến nay, ở khu vực Trung Bộ đã có mưa to, đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như: TP Huế (Thừa Thiên Huế) 256mm; Thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) 397mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 403mm; An Nghĩa (Bình Định) 213mm… Dự báo từ nay đến ngày 14/11, các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phía bắc Quảng Nam và Khánh Hòa mưa phổ biến 200-350mm, có nơi hơn 400mm; khu vực từ phía nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 350-650mm, có nơi hơn 800mm.

Đáng lo ngại, từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ghi nhận cho thấy mưa lớn những ngày qua đã khiến mực nước nhiều hồ chứa đầy nước. Thống kê đến sáng nay (9/11), ít nhất 17 hồ thủy điện đang điều tiết qua tràn. Tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, 296/504 hồ chứa thủy lợi đã đầy nước; 8 hồ trong số này cũng đang phải xả tràn, nhưng với lưu lượng xả nhỏ hơn 10m3/s.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng phó mưa lũ miền trung ngày 9/11, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, hiện nay nhiều hồ chứa đã tích đầy nước. Do đó, công tác dự báo mưa rất quan trọng; làm sao để vừa bảo đảm phòng, chống lũ, vừa tích nước an toàn để phục vụ sản xuất vụ Xuân 2022.

Tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất

 Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp ngày 9/11.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp ngày 9/11.

Trước diễn biến mưa lớn kéo dài, ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương tập trung rà soát lại các kịch bản ứng phó. “Ngay sau cuộc họp này, các tỉnh cần phân công thành viên Ban Chỉ huy xuống từng địa bàn để chỉ đạo công tác ứng phó. Triển khai ngay lực lượng xung kích tại các xã, phường, thị trấn để rà soát những khu vực có nguy cơ mất an toàn do mưa lũ…”, ông Hoài nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt.

Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương miền trung tập trung rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân. Trong đó, chú trọng sơ tán dân tại chỗ, phân bố nhu yếu phẩm bảo đảm đầy đủ cho người dân trong trường hợp ngập lụt kéo dài…

Đối với sơ tán tập trung, ông Trần Quang Hoài đề nghị cần phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Quan tâm chăm lo cho người già, trẻ nhỏ, cũng như bảo đảm các điều kiện tại điểm sơ tán phục vụ người dân. Trong đó, có thể xem xét trích kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai để trang bị đồ dùng sinh hoạt tại nơi sơ tán.

Ông Hoài cho biết, diễn biến mưa lũ hiện nay tại khu vực miền trung còn rất phức tạp; nhất là khi các tỉnh vừa trải qua đợt mưa lũ hồi tháng 10/2021. Do đó các địa phương cần chủ động ứng phó cao nhất trên tinh thần không chủ quan, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ trong 1 tuần tới.

Nhận định đây sẽ là đợt mưa lớn nhất mà tỉnh hứng chịu từ đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, địa phương đã sớm có công điện ứng phó với mưa lũ trong những ngày tới. Hiện, các địa phương đang tập trung kiểm tra các tuyến giao thông, ngầm tràn qua sông suối nhỏ, bảo đảm an toàn đi lại cho người dân.

Liên quan đến an toàn các hồ chứa, ông Bửu cho biết hầu hết các hồ đã tích nước đạt từ 75 - 90% dung tích thiết kế. Đây là giai đoạn chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Xuân 2022, do đó ông Bửu đề nghị cơ quan khí tượng có dự báo chính xác để Quảng Nam và các tỉnh có kế hoạch điều tiết nước tại các hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ đập và phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, tỉnh Bình Định cũng đã phát công điện đề nghị các địa phương tập trung các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, toàn tỉnh có 263 hồ chứa; trong đó 63 hồ đã qua tràn. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát, bảo đảm an toàn vận hành các hồ chứa.

“Chúng tôi cũng lên phương án sẵn sàng sơ tán dân tại một số vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương vùng có nguy cơ ảnh hưởng dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm trong trường hợp bị ngập lụt, chia cắt…”, ông Hoàng cho biết thêm.

Cùng với Quảng Nam, Bình Định, nhiều địa phương miền trung cũng tập trung rốt ráo cho công tác ứng phó mưa lớn, nhất là việc bảo đảm an toàn cho người dân. Theo đó, các tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 65.729hộ/258.444 khẩu khi lũ trên các sông lên trên báo động 3. Ngoài ra, 26.743 hộ/110.560 khẩu tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất cũng được đưa vào phương án để sẵn sàng sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/moi-truong/khong-chu-quan-voi-dien-bien-mua-lu-673224/
Zalo