Không chủ quan với dịch cúm gia cầm

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương trên cả nước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không kiểm soát chặt chẽ. Là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, tỉnh Hưng Yên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhằm bảo vệ đàn vật nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Nông dân xã Nghĩa Dân chăm sóc đàn gà.

Nông dân xã Nghĩa Dân chăm sóc đàn gà.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã ghi nhận 11 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 7 tỉnh, làm hơn 29.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy, tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm 2024. Một số ổ dịch chưa qua 21 ngày, trong đó có Hải Phòng, địa phương giáp ranh Hưng Yên, càng làm gia tăng nguy cơ dịch lây lan.

Trước tình hình trên, ngày 11/7/2025, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công văn số 131/UBND-KT2 yêu cầu các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm. Công văn nêu rõ: “Nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, tổng đàn gia cầm lớn và tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm chưa bảo đảm an toàn sinh học”.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 23,7 triệu con gia cầm, trong đó gà chiếm trên 70%. Trong khi các trang trại lớn đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, vẫn còn không ít hộ nhỏ lẻ chưa tiêm phòng đầy đủ, chưa thực hiện tốt tiêu độc, khử trùng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Để phòng dịch hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát tổng đàn, tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và cấp phát hàng chục nghìn lít hóa chất khử trùng. Công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm được siết chặt tại các tuyến giao thông, chợ dân sinh; đồng thời tăng cường giám sát dịch tễ để phát hiện, xử lý sớm nếu có ổ dịch phát sinh.

Tại cơ sở, nhiều hộ chăn nuôi đã nâng cao ý thức phòng dịch. Anh Lê Mộng Long ở phường Thượng Hồng chia sẻ: Gia đình tôi nuôi gần 17.000 con gà Ai Cập, tất cả đều được tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại được rắc vôi, khử trùng hằng tuần nên đàn gà phát triển tốt, ổn định sản lượng trứng.

Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp để phòng trừ dịch cúm gia cầm hiệu quả.

Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp để phòng trừ dịch cúm gia cầm hiệu quả.

Tương tự, anh Đào Văn Nam, xã Nghĩa Dân, chủ trại gà lai Đông Tảo quy mô 5.000 con, cũng chủ động áp dụng đệm lót sinh học, bổ sung dinh dưỡng định kỳ giúp gà khỏe mạnh, đẻ đều. “Dù dịch bùng phát nơi khác, gia đình tôi vẫn yên tâm vì luôn làm đúng quy trình kỹ thuật”, anh cho biết.

Tại xã Vũ Tiên, anh Phạm Xuân Thủy, chủ trang trại quy mô 150.000 con gà, đặc biệt siết chặt biện pháp phòng dịch: phun khử trùng 3 lần/tuần, bố trí hố tiêu độc ở cửa chuồng, thay bảo hộ cho người ra vào. Anh Thủy nhấn mạnh: Chỉ một chút chủ quan cũng có thể khiến thiệt hại nặng nề, nên gia đình luôn theo dõi sát sức khỏe đàn gà, bổ sung vitamin và bảo đảm đầy đủ thức ăn, nước uống.

Bên cạnh các trang trại chủ động, trong tỉnh vẫn còn một số hộ nuôi nhỏ lẻ chủ quan, chưa khai báo khi có gia cầm ốm chết, thậm chí tự tiêu thụ, gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch. UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

Người dân xã Hoàn Long bổ sung vitamin và bảo đảm đầy đủ thức ăn, nước uống cho đàn gà Đông Tảo.

Người dân xã Hoàn Long bổ sung vitamin và bảo đảm đầy đủ thức ăn, nước uống cho đàn gà Đông Tảo.

Cùng với ngành nông nghiệp, ngành y tế cũng được giao nhiệm vụ giám sát chặt tình hình sức khỏe cộng đồng, nhất là với những người có tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Việc này giúp phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh đường hô hấp, ngăn ngừa dịch lây sang người.

Cúm gia cầm có thể gây thiệt hại lớn nếu bùng phát trên diện rộng. Do vậy, không chủ quan, chủ động phòng dịch từ sớm là yêu cầu cấp thiết. Bảo vệ ngành chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng mà còn của từng hộ chăn nuôi, từng người dân trong tỉnh.

Dương Miền - Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khong-chu-quan-voi-dich-cum-gia-cam-3182601.html
Zalo