Không chiến hiện đại và bài học từ chiến dịch không kích của Israel ở Iran
Dù Israel đạt được ưu thế trên không trong chiến dịch không kích vào Iran hồi tháng 6 vừa qua, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng điều đó không phản ánh toàn diện những thách thức mà các lực lượng phương Tây có thể đối mặt trong các cuộc chiến tương lai.
Việc Israel nhanh chóng giành được ưu thế trên không trong chiến dịch không kích gần đây nhằm vào các mục tiêu quân sự và hạt nhân của Iran cho thấy, trong chiến tranh hiện đại có cường độ cao, việc thống trị không phận của đối phương vẫn có thể đạt được nếu đáp ứng đủ điều kiện về chiến thuật, công nghệ và tình báo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc rút ta bài học từ chiến dịch này cần đặt trong bối cảnh cụ thể. Những gì hiệu quả tại một chiến trường như Iran có thể sẽ không hiệu quả trong các kịch bản xung đột lớn hơn, với các đối thủ có năng lực quân sự phức tạp và toàn diện hơn. Việc chiếm ưu thế trên không trong một không gian tác chiến giới hạn không thể so sánh với việc xuyên thủng một hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) được tổ chức phức tạp.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Israel. Ảnh: Defense News
Chiến thắng mang tính chiến thuật của Israel
Trong chiến dịch vừa qua, Israel tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân và phòng không Iran, sử dụng kết hợp tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 cùng các loại máy bay F-15, F-16 thế hệ 4. Theo chuyên gia không quân tại Viện RUSI có trụ sở ở Anh, Justin Bronk, đây là ví dụ cho thấy khả năng phá vỡ hệ thống phòng không nhiều tầng, dù không được tích hợp hoàn toàn, vẫn có thể thực hiện nếu hội đủ các yếu tố như: tình báo chính xác, lên kế hoạch kỹ lưỡng và lực lượng không quân đã qua thực chiến.
Một phần thành công của Israel cũng đến từ việc họ đã làm suy yếu đáng kể hệ thống phòng không Iran qua các chiến dịch trước đó, cũng như tích lũy kinh nghiệm sau các thất bại trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973 – thời điểm khiến Tel Aviv phải đánh giá lại toàn bộ cách tiếp cận đối với nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương.
Chuyên gia Ed Arnold (RUSI) nhấn mạnh, việc Israel không mất máy bay nào trong chiến dịch này “là điều đáng chú ý”, nhưng ông cũng lưu ý: thành công như vậy chỉ có thể đạt được khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và không thể coi là đương nhiên trong mọi tình huống.
Truyền thông Iran dẫn lời giới chức nước này cho biết Israel đã mất 4 chiếc F-35 trong chiến dịch không kích hồi giữa tháng 6. Tuy nhiên, không có bằng chứng hay hình ảnh nào chứng minh cho tuyên bố này.
Tướng không quân Anh đã nghỉ hưu Andrew Curtis nhận định: “Trong 30 năm qua, mọi người đã quen với khái niệm ưu thế trên không tuyệt đối, nhưng với chiến tranh cường độ cao chống lại đối thủ ngang tầm, thì kỷ nguyên đó về cơ bản đã qua rồi”.
Thách thức từ hệ thống phòng không hiện đại
Iran sở hữu hệ thống phòng không đa tầng, kết hợp giữa khí tài trong nước và nước ngoài, nhưng không có một lực lượng không quân đủ sức răn đe. Đây là điểm khác biệt so với một số quốc gia khác – nơi các hệ thống phòng không được tích hợp chặt chẽ với lực lượng tiêm kích hiện đại, tác chiến điện tử và hệ thống giám sát từ xa.
Một số quốc gia hiện đang phát triển hoặc vận hành tiêm kích thế hệ 5, thậm chí bắt đầu nghiên cứu máy bay thế hệ 6. Những hệ thống này được hỗ trợ bởi mạng lưới phòng không hiện đại, không chỉ trên đất liền mà còn trên biển, cùng với năng lực tấn công tầm xa bằng tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa căn cứ của đối phương từ xa.
Theo các chuyên gia, khác biệt lớn trong những kịch bản này là quy mô, chiều sâu tích hợp, và năng lực phối hợp giữa các yếu tố: radar cảnh báo sớm, tên lửa phòng không, tiêm kích đa nhiệm và năng lực tấn công phủ đầu.
Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng duy trì công suất sản xuất tên lửa đánh chặn ở quy mô công nghiệp, trong khi các lực lượng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã tiêu tốn nhiều khí tài trong các chiến dịch tại Trung Đông thời gian qua.
Điều đó cho thấy, trong một kịch bản xung đột quy mô lớn, việc áp đảo hoặc xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không thể dựa vào các chiến thuật từng áp dụng tại những chiến trường có hệ thống phòng thủ kém tích hợp hơn.
Ưu thế trên không không còn là điều hiển nhiên
Trong các cuộc chiến tranh gần đây như ở Vùng Vịnh, Iraq hay Afghanistan, ưu thế trên không giúp lực lượng mặt đất phương Tây cơ động và tác chiến hiệu quả hơn. Nhưng thực tế tại Ukraine, nơi Nga không thể giành quyền kiểm soát bầu trời, lại cho thấy điều ngược lại: các cuộc tập kích tầm xa vẫn xảy ra nhưng không có chiến thắng nhanh chóng mà thay vào đó là kịch bản chiến sự giằng co trên bộ.
Tướng James Hecker, Tư lệnh không quân NATO, từng cảnh báo: “Ưu thế trên không không còn là điều mặc định. Nếu không giành được ưu thế trên không, chiến sự sẽ giống như những gì đang diễn ra ở Ukraine”.
Các chuyên gia cũng dự báo, trong tương lai, ưu thế trên không có thể chỉ đạt được trong thời gian và không gian giới hạn, nhằm phục vụ những chiến dịch cụ thể.
Tướng Curtis cho rằng các nhà hoạch định hiện nay cần phải thay đổi tư duy: không còn là kiểm soát toàn bộ không phận lâu dài, mà là đảm bảo “ưu thế không quân cục bộ, giới hạn theo thời gian” để phục vụ một nhiệm vụ hay chiến dịch ngắn hạn. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt chiến thuật, năng lực bảo vệ căn cứ và duy trì khả năng phòng không hiệu quả.
Bất chấp những thách thức mới, các chuyên gia đều nhất trí rằng ưu thế trên không vẫn giữ vai trò then chốt trong chiến tranh hiện đại.
“Không có điều gì trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hay Israel-Iran cho thấy ưu thế trên không không còn cần thiết nữa. Ngược lại, cả 2 đều chứng minh rằng trong chiến tranh hiện đại, việc giành ưu thế trên không vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng”, chuyên gia Mick Ryan, cựu thiếu tướng lục quân Australia, nhận định.