Không ai bị lãng quên, dù chưa từng được gọi tên
Mỗi ngôi mộ chưa biết tên là một phần ký ức chưa trọn vẹn, nhưng với lòng tri ân của dân tộc, sẽ không một liệt sĩ nào bị lãng quên.
Sẽ không một liệt sĩ nào bị lãng quên
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, nhưng những gì còn lại không chỉ là con số khô khan trong sử sách, mà là hàng triệu phận người nằm lại trải khắp các nghĩa trang liệt sĩ từ Bắc vào Nam. Trong đó, hàng vạn ngôi mộ đã có danh tính cụ thể, nhưng có những bia mộ khô khan, chỉ vỏn vẹn dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, nơi có hơn 1.00 phần mộ chưa biết tên. Ảnh: Quốc Huy
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (xã Thiết Ống, tỉnh Thanh Hóa) cũng là một trong những nơi như thế. Nghĩa trang được bao bọc bởi núi rừng, nhưng nơi ấy vẫn luôn được khói hương, chăm sóc cẩn thận.
Với hơn 2.000 phần mộ liệt sĩ, nơi đây quy tập hài cốt của những người con ưu tú của 32 tỉnh đã chiến đấu, hy sinh trong những năm tháng khốc liệt. Trong số đó, có đến hơn 1.000 phần mộ chưa thể xác định được danh tính và cũng có đến 16 liệt sĩ là người nước bạn Lào.

Những liệt sĩ chưa từng được gọi tên nhưng chưa bao giờ bị lãng quên. Ảnh: Quốc Huy
Những người lính ấy đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ khi Tổ quốc gọi tên, khi đó, họ cũng chỉ mới mười tám, đôi mươi, đang tràn đầy sức sống, khát khao và hoài bão. Cũng kể từ giây phút nằm xuống, họ đã trở thành biểu tượng cho sự hiến dâng tuyệt đối, dâng trọn cả cuộc đời cho tự do, độc lập của Tổ quốc.
Ông Phạm Văn Nguyễn (dân tộc Thái, xã Thiết Ống, tỉnh Thanh Hóa) là quản trang Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, ông đã dành một nửa cuộc đời để chăm sóc, hương khói cho các liệt sĩ nơi đây. Ông cũng từng chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn cuộc viếng thăm; cũng từng chứng kiến những cuộc gặp gỡ đầy nước mắt khi thân nhân liệt sĩ đã tìm được người thân của mình.
Đều đặn 30 năm nay, ông vẫn đều đặn dậy từ tinh mơ để quét lá, dọn cỏ, chăm sóc những phần mộ tại đây, đặc biệt là những phần mộ chưa từng có người thân ghé thăm. Không ai nhắc, cũng không ai bắt buộc, nhưng ông luôn nhớ rõ từng khu, từng hàng bia đá, kể cả khi trên đó không có lấy một cái tên.

Ông 'Nguyễn quản trang' vẫn hàng ngày chăm sóc những liệt sĩ chưa tìm được danh tính. Ảnh: Quốc Huy
Không ồn ào, không phô trương, nhưng những người như ông Nguyễn chính là một trong các cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Ông không chỉ chăm sóc phần mộ, mà còn chăm sóc ký ức dân tộc, gìn giữ sự trang nghiêm của một vùng đất thiêng, nơi từng nắm đất cũng mang hơi ấm của những người lính không tên, chưa kịp nói lời từ biệt.
Mỗi mẫu ADN là một tia sáng thắp lên niềm hy vọng đoàn tụ
Hiện nay đất nước ta có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó, khoảng 900.000 hài cốt đã được quy tập về các nghĩa trang. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được an táng nhưng chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, còn khoảng 175.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại các chiến trường trong nước và quốc tế như Lào, Campuchia... Đây thực sự là những con số khiến ai cũng phải nhói lòng.

16 liệt sĩ nước bạn Lào chưa xác định được danh tính đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, họ cũng được người dân Việt Nam xem như một phần máu thịt của mình. Ảnh: Quốc Huy
Riêng tại Thanh Hóa, đây là địa phương luôn đóng vai trò là hậu phương lớn và là một trong những địa phương đi đầu trong việc đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Trong đó, đã có hàng vạn người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thực hiện các nhiệm vụ khác. Chính vì vậy, số lượng hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập hoặc chưa xác định được danh tính vẫn còn rất nhiều.
Trong những năm qua, chính quyền, các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực tiến hành xác minh, đối chiếu, truy tìm danh tính để “trả lại tên” cho các liệt sĩ đang yên nghỉ. Tuy nhiên đây thực sự là hành trình không dễ dàng.
Bởi lẽ thời gian đã xóa mờ nhiều chứng tích, các hồ sơ, tài liệu đã thất lạc hoặc không đầy đủ; thân nhân liệt sĩ, những người mong mỏi được đón phần mộ người thân trở về cũng ngày một già yếu, thậm chí không còn.

Mỗi phần mộ không tên là một phần ký ức còn dang dở. Ảnh: Quốc Huy
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, giám định ADN trở thành “chìa khóa vàng” để trả lại danh tính cho các liệt sĩ. Đây không chỉ là thao tác kỹ thuật khô khan, mà còn là hành trình đưa công nghệ về phụng sự ký ức, là nỗ lực để những dòng dữ liệu tưởng chừng vô tri có thể kết nối trái tim người sống với hình bóng người đã khuất.
Mỗi mẫu ADN dù là một tia sáng nhỏ bé, nhưng đủ để soi rọi cả một hành trình dài đằng đẵng. Sau mỗi mẫu ADN được thu thập là nỗi mong chờ của những người mẹ tóc bạc, là lời hứa chưa trọn vẹn với người đã khuất, là khát khao trả lại danh tính cho những người đã đánh đổi cả cuộc đời mình cho Tổ quốc.
Dù hành trình ấy còn nhiều gian khó, nhưng chỉ cần một tia sáng được thắp lên, hy vọng sẽ không bao giờ tắt. Quá trình này cũng thể hiện sự tri ân sâu sắc, là giá trị đạo lý và nhân văn đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
Mới đây, vào ngày 26/7, tại Hội nghị cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương hiện có hơn 37.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó có trên 10.000 liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu, khoảng 27.000 liệt sĩ với hơn 36.000 thân nhân có thể thu nhận mẫu ADN.

Thân nhân liệt sĩ mang theo di ảnh cùng với hy vọng sẽ tìm được người thân của mình. Ảnh: Hà Phương
Từ giữa tháng 5 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức hai đợt cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Thanh Hóa là đơn vị có số lượng thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ nhiều nhất toàn quốc với 933 mẫu từ các trường hợp là mẹ đẻ liệt sĩ và 1 trường hợp là thân nhân cận huyết thống bên ngoại liệt sĩ.
Qua đối sánh ADN đã xác định được danh tính của 2 liệt sĩ là Trịnh Văn Hai ở xã Đông Thành và Trịnh Quang Lâm ở xã Nga An, tỉnh Thanh Hóa.
Mặc dù đây chỉ là những con số vô cùng nhỏ bé, nhưng lại thắp lên ngọn lửa hy vọng giữa hàng vạn phần mộ còn chưa thể gọi tên. Bởi mỗi cái tên được trả lại là một gia đình tìm được người thân, là một người mẹ, người vợ, người con có thể an lòng sau bao năm khắc khoải mong chờ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nghĩa cử cao đẹp với những người nằm xuống chưa bao giờ dừng lại. Mỗi phần mộ chưa tên là một khoảng trống trong ký ức dân tộc và cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm gìn giữ, bù đắp và tri ân. Dẫu hành trình trả lại danh tính còn nhiều gian khó, nhưng chỉ cần một tia sáng được thắp lên từ mỗi mẫu ADN, hy vọng sẽ không bao giờ tắt. Và trong trái tim dân tộc, không một người lính nào từng ngã xuống là vô danh, bởi họ đã hiến dâng tất cả để đất nước hôm nay được gọi tên tự do.