Không ai bị bỏ lại phía sau ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Phong trào thi đua 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau' đã và đang tạo ra tiền đề, là động lực để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng, phấn đấu 'Vì một Việt Nam không còn đói nghèo'.
Tháng 11/2023, ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ và ông Lê Xuân Đường, cùng ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là hai người Đan Lai đầu tiên của bản mạnh dạn làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Tháng 11/2024, thêm 5 người Đan Lai của bản Cò Phạt và bản Khe Búng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Lá đơn chỉ chừng hơn trăm chữ, nét chữ chưa đẹp, đôi khi còn sai lỗi chính tả, lời lẽ mộc mạc, nhưng toát lên sự tự trọng của người Đan Lai. Ông Lê Xuân Đường viết: “đã có nhà ở, cuộc sống cũng đã có phần tiến bộ hơn nên xin ra khỏi hộ nghèo, chia sẻ cho các gia đình khó khăn hơn”...
7 người làm đơn, người lớn tuổi nhất sinh năm 1960, người trẻ nhất sinh năm 1997, mỗi nhà một cảnh và vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung, song khi xin ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc họ và gia đình đã tự nguyện từ bỏ các quyền lợi ưu tiên, chẳng hạn như được Nhà nước mua bảo hiểm y tế, con cái được hỗ trợ chi phí ăn học, được cho không cây, con giống, được hỗ trợ làm nhà ở... Không màng lợi riêng, hành động của 7 người Đan Lai đó đã thể hiện và cổ động cho phong trào thi đua phát huy nội lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Ở một góc độ khác, hành động này cho thấy bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng người Đan Lai nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói chung. Người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) sinh sống chủ yếu ở thượng nguồn sông Giăng, giáp biên giới Việt - Lào, trong vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát. Hiện nay, người Đan Lai đang được thụ hưởng một nội dung riêng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ chính sách của Nhà nước, bà con đã định cư tập trung, được hướng dẫn kỹ thuật để chăn nuôi, trồng trọt, hạn chế phụ thuộc vào săn bắt, hái lượm từ tự nhiên như trước đây. Gia đình ông Linh, ông Đường đều chăn nuôi trâu, bò, gà, lại được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên mỗi vụ thu hoạch được vài tấn lúa. Cái ăn đã được đảm bảo, cuộc sống ngày càng ổn định.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi chiếm ¾ diện tích cả nước, nhưng hiện tồn tại 5 “nhất”: điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất. Số hộ nghèo, cận nghèo DTTS chiếm 56,31% tổng số hộ nghèo của cả nước; vẫn còn 40 DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% (cao gấp 10 lần so với bình quân chung của cả nước).
Trong một cuộc tọa đàm trên VietNamNet, ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thông tin, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, xu hướng tỷ lệ hộ nghèo của vùng DTTS và miền núi so với tổng số hộ nghèo của Việt Nam ngày càng tăng lên, thậm chí có thể lên đến hơn 90%. Có nghĩa là trong 100 hộ nghèo của người Việt Nam thì đến hơn 90 hộ là người DTTS. Vì thế, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo... luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Lịch sử đất nước đã chứng minh, càng trong khó khăn càng phải phát huy cao độ các phong trào thi đua yêu nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Cụ thể lời dạy của Bác, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”. Ngày 2/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 666/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã quyết liệt triển khai các phong trào thi đua thoát nghèo của huyện nghèo, thoát khỏi khó khăn của xã, thôn đặc biệt khó khăn, tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo. Tiếp nữa là tác động của nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày 30/9/2024, gần 11 nghìn tỷ đồng (gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được giải ngân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo đã tạo nên những chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo thông qua sự xuất hiện của một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo như những người Đan Lai ở trên. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi cả nước đã giảm còn 16%, cận nghèo còn 10,52%. Càng có ý nghĩa hơn khi phần lớn tỷ lệ hộ nghèo giảm là đồng bào dân tộc đang sinh sống ở nơi biên cương, phên dậu quốc gia tham gia giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã và đang tạo ra tiền đề, là động lực để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo"; thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi.