Khơi thông nguồn lực đầu tư cho ngành điện

Thu hút đầu tư vào ngành Điện đang là vấn đề cấp bách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính để phải gấp rút sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành Điện, mạch nguồn cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

Thi công xây dựng Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 (tỉnh Đồng Nai).

Thi công xây dựng Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 (tỉnh Đồng Nai).

Bảo đảm tăng trưởng và chuyển đổi xanh

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Qatar, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần trăn trở câu chuyện thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực của Việt Nam để đáp ứng được các điều kiện thu hút đầu tư vào ngành Điện. Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp Qatar đầu tư vào năng lượng, như điện khí LNG - lĩnh vực phía doanh nghiệp Qatar có thế mạnh phát triển vào Việt Nam.

Các đối tác cũng bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội đầu tư vào ngành Điện của Việt Nam, qua đó cụ thể hóa và hiện thực hóa các mục tiêu hợp tác. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, chỉ đầu tư với điều kiện tiên quyết là phải có hành lang pháp lý rõ ràng, đủ hấp dẫn, làm cơ sở tính toán bài toán đầu tư. Quốc vụ khanh phụ trách về năng lượng Qatar Saad bin Sherida Al Kaabi nhấn mạnh, khó khăn nhất nằm ở pháp luật Việt Nam và mong chờ Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Mục tiêu đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới được thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết qua những định hướng, khẳng định, quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ và cũng là khát vọng của cả dân tộc.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, xây dựng mục tiêu với ngành Điện. Trong đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt khoảng 12-13%. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan, trong giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa bảo đảm cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu điện, giải pháp căn cơ nhất là phát triển nguồn. Tuy nhiên, việc này đang gặp phải những rào cản lớn, nhất là về cơ chế, chính sách, Luật Điện lực hiện hành không đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành Điện trong tình hình mới. Đó cũng là nguyên nhân khiến hầu hết dự án phát triển nguồn điện bị chậm tiến độ, không thu hút được đầu tư, đặc biệt là các dự án nguồn điện mới như điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi, trong khi các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, điện than không còn dư địa.

Ví dụ, trong 13 dự án điện LNG theo quy hoạch điện VIII, chỉ có Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 đang triển khai, các dự án khác đều gặp khó khăn khi cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện, vướng mắc kéo dài trong cam kết mua điện, chính sách chuyển ngang giá khí sang giá điện và các điều kiện bảo đảm đầu tư khác để nhà đầu tư có thể vay vốn, thu hồi chi phí đầu tư… Bởi vì thực tế là trừ các doanh nghiệp nhà nước đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, làm nhiệm vụ chính trị, các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài sẽ không đầu tư nếu không thấy được “đường ra”.

Để đủ sức vươn mình

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển ngành Điện, Chính phủ đang thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực, với mục tiêu trình Quốc hội thông qua trong vòng 1 kỳ họp, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cũng chỉ đạo rõ, việc sửa luật cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay như cam kết về sản lượng, chuyển ngang giá khí... thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, cơ chế "xin cho", cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép "con" để giảm chi phí...

Vì tính cấp bách của việc phát triển các dự án nguồn điện, Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương thúc đẩy triển khai các dự án điện, triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có công suất lớn, đặc biệt là ở miền Bắc như: Triển khai sớm các dự án Nhà máy LNG Nghi Sơn - Thanh Hóa (1.500MW), LNG Quỳnh Lập - Nghệ An (1.500MW); phấn đấu khởi công trong quý II-2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các dự án đã có chủ đầu tư: LNG Quảng Ninh (1.500MW), LNG Thái Bình (1.500MW); khẩn trương hoàn thành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Quảng Trạch I (EVN - 1403MW)...

Sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề bức thiết và cấp bách. Đây được kỳ vọng là một bước đột phá về chính sách để ngành Điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định việc “Tận dụng tối đa thời cơ và đẩy lùi những thách thức là chiến lược để bảo đảm sự bứt phá và cất cánh” của đất nước.

Khánh An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-thong-nguon-luc-dau-tu-cho-nganh-dien-685682.html
Zalo