Khơi thông dòng chảy tín dụng chính sách ở An Giang
Cùng với chính quyền cả nước, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang đã nhanh chóng hợp lực thành NHCSXH tỉnh An Giang. Không chỉ dừng lại ở sự hợp nhất mà từng cán bộ của NHCSXH An Giang đang nỗ lực ổn định hoạt động, bảo đảm cho dòng chảy tín dụng chính sách thông suốt, đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tỉnh, xã quyết tâm
Những năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng giúp An Giang và Kiên Giang thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sự hợp nhất sẽ mang lại sức mạnh to lớn hơn, trọng tâm hơn giúp An Giang chuyển mình mạnh mẽ hơn.
Đến 30/6/2025, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH An Giang đạt 12.932 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 1.177 tỷ đồng. Doanh số cho vay cũng đạt trên 3.100 tỷ đồng với gần 46.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Quyền Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang - Đoàn Công Thiệt cho biết, dù tên gọi đơn vị hành chính có thay đổi, cũng như số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn sau sáp nhập giảm còn 102, bao gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu, song, dòng vốn chính sách vẫn được bảo đảm vận hành đều đặn thông suốt. Việc quan trọng trước tiên là chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch trên toàn địa bàn triển khai các biện pháp giữ nguyên mạng lưới Điểm giao dịch như trước đây, cụ thể tiếp tục duy trì thực hiện 298 điểm giao dịch xã cũ.
"Theo đó, chúng tôi ưu tiên bố trí nơi giao dịch tại các đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập, số còn lại cũng được bố trí tại trụ sở UBND các xã cũ và tại nhà văn hóa, khu phố và trụ sở ấp, thôn. Nhờ vậy, gần một tháng qua, các phòng giao dịch NHCSXH ở An Giang vẫn duy trì phục vụ Nhân dân và các đối tượng chính sách ngay tại nơi cư trú thuận tiện và hiệu quả nhất", ông Đoàn Công Thiệt hồ hởi nói.
Cùng với các điểm giao dịch tại cơ sở xã, thôn, ấp, NHCSXH An Giang giữ nguyên lịch giao dịch cố định hàng tháng khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
"Phòng giao dịch NHCSXH chúng tôi phối hợp với các phường, xã tăng cường tuyên truyền về tín dụng chính sách, quyết tâm không để đối tượng chính sách nào có nhu cầu không được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, đặc biệt thực hiện "giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã" và duy trì hệ thống tín dụng chính sách "sát dân, gần dân", theo phương châm "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ" - Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH Long Xuyên - Huỳnh Hoàng Ngọc chia sẻ.

Người dân An Giang yên tâm, phấn khởi trước thay đổi của đất nước. Ảnh: Thành Văn
Nhân dân phấn khởi
Việc duy trì mạng lưới và giữ nguyên lịch giao dịch cùng sự nhiệt tình, tận tâm của cán bộ tín dụng chính sách ở tỉnh An Giang đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn không phải đi xa, tạo sự ổn định và yên tâm trong việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao đời sống.
Bà Bùi Thị Phương, ở ấp Thuận Hòa, xã Bình Sơn chia sẻ, gia đình bà vay vốn tại NHCSXH huyện Hòn Đất từ năm 2020 để đầu tư cải tạo 10 công đất trũng trồng cây khóm (dứa) kém hiệu quả sang thâm canh cây sen cho thu nhập khá cao, thoát cảnh nghèo khó, túng thiếu. Từ đầu tháng 7, sau khi sáp nhập xã, Phòng giao dịch NHCSXH Hòn Đất vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch như cho dân nghèo vay tại điểm giao dịch xã cũ gần nhà, nên bà và các hộ khó khăn trong ấp rất yên tâm.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Hòn Đất - Trần Quang Tuyên bày tỏ, không kể thời gian trước hay sau sáp nhập, cán bộ tín dụng của NHCSXH là người gần dân thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình nhất; bởi họ thường xuyên bám sát cơ sở, gặp gỡ trực tiếp với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, thậm chí kiêm luôn việc hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh thế nào để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả nhất.
Phó Giám đốc NHCSXH An Giang - Nguyễn Thế Loan cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH An Giang tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; triển khai tích cực việc phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, đặc khu bố trí các điểm giao dịch tại địa phương bảo đảm điều kiện làm việc.
Bên cạnh đó, duy trì phát triển mạng lưới điểm giao dịch, lịch giao dịch, chuyển các phiên giao dịch về thôn, ấp trong bối cảnh một số xã, phường cũ đã bàn giao lại trụ sở làm việc, bảo đảm không gián đoạn hoạt động tín dụng chính sách của người dân; tích cực phối hợp với lực lượng công an xã, phường làm tốt công tác gìn giữ an ninh trật tự, an toàn về người, tài sản trong thời gian tổ chức giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng; đặc biệt phối hợp với ngành tài chính tham mưu với UBND tỉnh tăng cường bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, nâng cao cuộc sống.
Dẫu còn nhiều việc phải làm và phải nỗ lực cao nhưng hoạt động tín dụng chính sách ở tỉnh An Giang - nơi có diện tích 9.881km2 và mật độ dân số gần 5 triệu người, lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã và đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương và ngân hàng cấp trên; cùng với việc phát huy thành tích đạt được quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt sau sáp nhập, trong mọi nơi, mọi lúc; góp phần giúp vùng đất mới phía Tây Nam vững bước vào kỷ nguyên giàu đẹp, văn minh của đất nước.