Khởi sắc xã miền núi Phong Phú
Từ xã miền núi còn nhiều khó khăn, có 3 dân tộc sinh sống là người Kinh, Chăm, Raglay sinh sống, Phong Phú đổi thay từng ngày với kinh tế nông nghiệp phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư khang trang, đồng bộ. Chính quyền và nhân dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng phấn đấu cán đích mục tiêu trở thành xã nông thôn mới và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Con đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào trung tâm xã Phong Phú (huyện Tuy Phong), 2 bên phủ màu xanh của ruộng lúa, thanh long và những khu nhà màng, nhà lưới trồng táo nối dài. Cảnh sắc yên bình, trù phú, diện mạo nông thôn khang trang đã phản ánh rõ nét sự đổi thay của xã miền núi Phong Phú. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã khoảng 2.500 ha tập trung chủ yếu các loại cây trồng lúa, táo, thanh long, cây ăn quả và một số diện tích trồng rau màu.
Đặc biệt, Phong Phú nổi tiếng với cây trồng lợi thế là cây táo, bởi nhờ thổ nhưỡng thích hợp tạo nên chất lượng táo thơm ngon, giòn ngọt vị đặc trưng rất riêng của vùng đất nắng và gió. Nhờ vậy, diện tích táo những năm gần đây được nông dân phát triển thêm, hiện khoảng 100 ha với 300 hộ dân trồng. Đặc biệt, nhiều năm nay, người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng táo giàn trong nhà lưới, nhà màng mang lại giá trị kinh tế cao. Táo có thị trường tiêu thụ ổn định bán các thương lái trong và ngoài tỉnh với giá cả ổn định từ 10.000 -12.000 đồng/kg thương lái thu mua tại vườn. Năm 2023, sản phẩm táo Phong Phú của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phong Phú được công nhận đạt OCOP 3 sao; đồng thời Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO công nhận VietGap cho 57 hộ/18 ha. Phong Phú hiện có 5 tổ hợp tác, trong đó có 3 tổ hợp tác sản xuất cây lúa nước với tổng 354 tổ viên/572 ha và 2 tổ hợp tác cây táo với tổng 22 tổ viên/9 ha. Các tổ hợp tác này không chỉ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mà còn đứng ra thu mua sản phẩm cho nông dân, đảm bảo đầu ra ổn định. Đặc biệt, xã đang hoàn tất các thủ tục đăng ký OCOP 3 sao cho sản phẩm táo xanh sấy dẻo trong năm 2024.
Cơ sở hạ tầng tại Phong Phú có những đổi thay rõ nét. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn và công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ, phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên xã, tuyến đường sắt và đường cao tốc Bắc - Nam chạy qua địa bàn cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế. Xã chú trọng công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên tổ chức với các đợt ra quân dọn dẹp, thu gom rác thải và phát quang các tuyến đường dân cư…
Đến nay, Phong Phú đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới, còn lại 2 tiêu chí do vướng tiểu tiêu chí liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ và đảm bảo an ninh trật tự, đang gặp khó khăn. Một công chức xã bị kỷ luật và vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong năm đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành tiêu chí. Theo ông Phạm Ngọc Cẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Tập trung nâng cao nhận thức, huy động sự đồng thuận của người dân để vượt qua khó khăn. Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM" tiếp tục được đẩy mạnh với tinh thần sáng tạo phấn đấu cán đích những tiêu chí trong việc phát triển nông thôn mới và góp phần xây dựng xã sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Thời gian tới, địa phương sẽ ưu tiên cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đảm bảo bền vững của địa phương. Xã sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là táo, qua các sàn thương mại điện tử để nâng cao giá trị sản phẩm. Không chỉ phát triển kinh tế, địa phương còn chú trọng bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hướng tới phát triển bền vững...