Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới trên quê hương Nghi Lộc
Nghi Lộc là huyện nằm ở cửa ngõ của thành phố Vinh, nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để phát triển kinh tế - xã hội. Qua 2 năm thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, địa phương này đã đạt những kết quả nổi bật.
Luồng khí mới
Là huyện có diện tích lớn, dân số đông nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo và sự đồng thuận của người dân, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện khóa XXIX về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XD NTM) giai đoạn 2021-2025 của Nghi Lộc (Nghệ An) đã đạt được những kết quả nổi bật.
Giai đoạn 2021-2023, việc xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được huyện Nghi Lộc huy động tốt các nguồn lực để đầu tư. Trong 2 năm đã nâng cấp gần 139,417 km đường giao thông nông thôn. Tổng xi măng hỗ trợ các xã làm đường giao thông nông thôn đến nay là 15.882,16 tấn. Phong trào xây dựng NTM nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Người dân toàn huyện đã hiến 21.125 m2 đất, hơn 90.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...
Các tiêu chí về thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại trên toàn huyện tiếp tục đẩy mạnh ở hầu hết các xã. Văn hóa, y tế, giáo dục không ngừng nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, Nghi Lộc được công nhận mới thêm 17 trường chuẩn quốc gia, nâng số trường chuẩn quốc gia lên 86/89. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 90,45%; Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 28/28.
Về kinh tế, chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao…
Trong những năm qua giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng nhanh về sản lượng và giá trị; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 1.706 tỷ đồng năm 2020 lên 1.767,757 tỷ đồng năm 2022. Chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển khá ổn định, hình thức chăn nuôi đa dạng, chăn nuôi trang trại phát triển. Trên địa bàn huyện có 207 trang trại, gia trại giá trị sản xuất hàng năm trung bình đạt 322,3 tỷ đồng.
Chương trình OCOP được tập trung triển khai và chỉ đạo. Trong năm 2022, có 14 sản phẩm được phân hạng, công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao trở lên như: cam xã Đoài (Nghi Diên), trứng gà ác (Nghi Văn), dưa lưới (Nghi Trung)…
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động, trung bình mỗi năm đào tạo cho 4.000 - 4.5000 lao động, đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2022 đạt 72%.
Tập trung chỉ đạo các biện pháp giảm nghèo bền vững; quan tâm hỗ trợ các chính sách cho người nghèo như vay vốn, hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề - giải quyết việc làm... từng bước giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quốc phòng và an ninh được bảo đảm. Thời gian qua, huyện tăng cường tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh trật tự cho lực lượng nòng cốt ở cơ sở và cho người dân ở nông thôn, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đồng bào ít người, vùng tôn giáo...
Cùng với đó, Nghi Lộc còn tập trung xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Các tiêu chí như giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai từng bước được quan tâm đầu từ cải tạo, nâng cấp. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn huyện cơ bản được kế thừa và phát huy hiệu quả. Các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh như khu công Nam Cấm, khu công nghiệp WHA thực hiện khá tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư.
“Phong trào xây dựng NTM đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia rất tích cực của người dân. Đây có thể coi là một trong những thành công trong xây dựng NTM ở Nghi Lộc. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện 1.056.837 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 157.921,1 triệu đồng, chiếm 14,94%”, ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết.
Vượt khó, quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao
Qua 12 năm thực hiện Chương trình MTQG XD NTM đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả. Công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho huyện Nghi Lộc và niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Kết quả xây dựng nông thôn mới thời gian qua là cơ sở, điều kiện, tiền đề để tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới Nghi Lộc đưa ra các giải pháp tập trung chỉ đạo, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đôn đốc của huyện và các ngành đối với cơ sở về nhiệm vụ xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM; đẩy mạnh phong trào “chung tay xây dựng NTM” tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Bí thư huyện ủy Nghi Lộc Dương Đình Chỉnh còn xác định, cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ đã ban hành để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tập trung huy động nội lực, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để phát triển kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp, thu hút dự án đầu tư vào địa bàn các xã điểm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Là huyện nằm trong cực tăng trưởng của tỉnh, với định hướng phát triển đến năm 2025 phấn đấu đưa Nghi Lộc trở thành một trong những huyện phát triển nhanh và toàn diện của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025.