Khối ngoại hào hứng gom hàng kỷ lục, chứng khoán nhẹ nỗi lo âu về thuế quan

Sau thông tin ban đầu về thỏa thuận thuế quan, khối ngoại đột ngột tung hơn 2.000 tỷ đồng mua ròng cổ phiếu Việt, mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Ngày 2/7/2025, Tổng thống Mỹ Donal Trump cho biết phía Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% đối với hàng hóa trung chuyển; trong khi đó Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ xuống 0%.

Phản ứng với thông tin này, thị trường chứng khoán đón nhận một phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản trong ngày 3/7, với thanh khoản 3 sàn đạt 38.200 tỷ đồng. Đặc biệt, khối ngoại có phiên mua ròng đột biến vời giá trị mua ròng trên 2.278 tỷ đồng ở sàn HoSE và hơn 2.400 tỷ đồng trên toàn thị trường, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Không cần quá lo ngại thêm về những rủi ro thuế quan

Đánh giá về ảnh hưởng của thông tin ban đầu về thỏa thuận thuế quan, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, đây là thông tin khá tích cực so với những kịch bản trước đó. Việt Nam đã là quốc gia thứ ba có thể kết thúc đàm phán liên quan đến thỏa thuận khung với Mỹ, điều này cho thấy Việt Nam hiện đang là một trong những đối tác lớn trên thế giới trong lĩnh vực thương mại, và đây là một tín hiệu tốt.

Kinh tế trưởng SSI cho biết, dù mức thuế chi tiết chưa công bố nhưng con số 20% là mức thuế chấp nhận được, đồng thời quá trình đàm phán vẫn đang còn tiếp diễn và có thể kéo dài qua thời điểm 9/7 tới, do còn liên quan đến yếu tố quy tắc xuất xứ. Khi việc đàm phán có thể kéo dài thì việc áp dụng mức thuế 10% hiện tại vẫn có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian nữa.

Mức thuế 20% cũng đã được SSI Research nhắc đến trong các dự báo trước đây. Ở kịch bản này, cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong năm 2025 dự kiến ở 2 con số, khoảng 13% thì VN-Index sẽ tương đương ở mức hơn 1.400 điểm.

Ông Phạm Lưu Hưng cũng nói thêm, các thông tin về thuế quan đang dần vào hồi kết, thị trường cũng đang dần tập trung vào những câu chuyện khác, ví dụ như tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và cả năm 2026.

“Chúng ta thấy rằng động lực chính của kinh tế Việt Nam không phải đến từ bên ngoài mà từ những yếu tố bên trong như đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước… Đó mới là những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã tính toán chiến lược trong giai đoạn tới và tập trung vào các yếu tố quan trọng hơn. Nên thông tin hiện tại sẽ tạo ra sự tích cực chung và thị trường sẽ không cần quá lo ngại thêm về những rủi ro thuế quan trong thời gian tới”, kinh tế trưởng SSI nhấn mạnh.

Nhiều lợi thế khác để bù đắp mức chênh lệch thuế

Còn theo đánh giá của Công ty chứng khoán KBSV, chuyên gia phân tích tạm chia cách hiểu thông tin mức thuế theo 2 kịch bản.

Ở kịch bản 1, mức thuế 20% là mức thuế cộng dồn chung các loại thuế cho các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ thì con số này cho thấy kịch bản thuế quan tương đối tích cực do thấp hơn đáng kể so với mức 46% được công bố áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam ngày 2/4 và chênh lệch không nhiều so với mức ~10% áp chung cho tất cả các quốc gia trong giai đoạn tạm hoãn thuế.

Ở Kịch bản 2, mức 20% chỉ tính riêng thuế đối ứng thì việc so sánh chênh lệch với các quốc gia khác sẽ quan trọng hơn việc Việt Nam bị áp mức thuế bao nhiêu. Hiện tại Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận với Mỹ (sau Anh và Trung Quốc). Mức thuế đối ứng 20% của Việt Nam vẫn cạnh tranh hơn so với mức thuế áp dụng với Trung Quốc (tùy mặt hàng) và không chênh quá nhiều so với mức thấp nhất hiện tại của Anh (10%).

KBSV cho rằng, nếu mức thuế Mỹ áp dụng với các nước khác không thấp hơn nhiều so với Việt Nam (không quá 10%) thì sẽ giảm bớt tác động tiêu cực đến hoạt động Xuất nhập khẩu, dịch chuyển FDI do Việt Nam có lợi thế khác để bù đắp lại như: Các chính sách ưu đãi để thu hút FDI; Nguồn nhân công giá rẻ, Vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng khu vực... Những yếu tố này giúp Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư FDI có định hướng sản xuất thực chất.

Nhìn chung, thị trường vẫn cần theo dõi thêm cho đến khi khung thuế chi tiết áp dụng cho từng mặt hàng và so sánh với các đối thủ cạnh tranh tương ứng. Ngoài ra, mức thuế 40% sẽ áp dụng với hàng hóa “trung chuyển”, tuy nhiên định nghĩa cụ thể về “trung chuyển” vẫn chưa được công bố (hàm lượng nguyên vật liệu hay tính theo công đoạn sản xuất) - đây là yếu tố then chốt để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự, KBSV nhận định.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoi-ngoai-hao-hung-gom-hang-ky-luc-chung-khoan-nhe-noi-lo-au-ve-thue-quan-d321304.html
Zalo