Khởi động chương trình 'Kỳ hè nông nghiệp xanh, hành trình hạt gạo tương lai' 2025
Đây hứa hẹn sẽ là trải nghiệm hè sáng tạo, giúp các bạn trẻ khơi dậy trách nhiệm với môi trường và nông nghiệp bền vững.

Tìm hiểu về lúa ngay trên cánh đồng lúa là một trong các trải nghiệm của chương trình. (Ảnh: BTC)
Theo đó, chương trình được thí điểm tại Đồng Tháp và chính thức được khởi động từ 15/7, mở ra một hành trình hè đặc biệt dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, kết nối trải nghiệm nông nghiệp, giáo dục kỹ năng sống xanh và khám phá các mô hình canh tác bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình do Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Dự án Đọc sách cùng Xích Lô tổ chức thực hiện, cùng với sự đăng cai của Tỉnh đoàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị liên quan tổ chức.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Trưởng Văn phòng Điều phối Dự án “Đọc sách cùng Xích Lô” cho biết, chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của đội viên, thiếu niên nhi đồng về kỹ năng xanh thông qua giáo dục trải nghiệm , bảo vệ môi trường và tham gia gìn giữ, tự hào và phát huy di sản nông thôn.

Chương trình sẽ dành cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở. (Ảnh: BTC)
Cụ thể, thông qua giáo dục trải nghiệm sẽ giúp các em thiếu nhi hiểu về quy trình trồng lúa chất lượng cao-giảm phát thải, mô hình lúa thuận thiên (lúa-sen, lúa-cá, lúa-tôm), hệ sinh thái nông nghiệp xanh. Từ đó, khơi dậy tinh thần công dân xanh, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ trở thành “Đại sứ môi trường”, lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên và trách nhiệm với cộng đồng. Song song, kết hợp công nghệ và di sản văn hóa nông thôn với việc ứng dụng công nghệ AI, boardgame giáo dục, truyện tranh nông nghiệp, du ký tương tác... mang lại hình thức học tập mới mẻ, hấp dẫn.
Chương trình sẽ triển khai từ tháng 7 đến tháng 8/2025, Tỉnh Đoàn Đồng Tháp tiếp nhận hồ sơ và tổ chức hành trình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo tuyến Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp-Vườn quốc gia Tràm Chim-Hợp tác xã Giống Định An, Lấp Vò-Làng Bột-Nhà máy xanh xay xát gạo Cỏ May Sa Đéc. Các bạn học sinh từ 9-15 tuổi (tiểu học và trung học cơ sở) có thể tham gia đăng ký trải nghiệm thực tế, hoạt động nhóm, sáng tạo tương tác, quan sát và ghi chép qua sổ tay.
Tuy nhiên, do là chương trình thí điểm đầu tiên nên năm 2025 này sẽ chỉ dành cho 80 đại biểu là các em chỉ huy Đội, cháu ngoan Bác Hồ và đội viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Phó Chủ tịch Quốc hội, nhà sáng lập “Dự án Đọc sách cùng Xích Lô” Lê Minh Hoan. (Ảnh: BTC)
Đề cập tới chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhà sáng lập “Dự án Đọc sách cùng Xích Lô” Lê Minh Hoan mong muốn rằng mỗi bạn nhỏ sẽ mang theo một hạt giống, không chỉ là hạt lúa, mà là hạt ý thức, hạt trí tuệ, hạt tinh thần yêu quê hương.
“Hành trình này không phải chỉ là về cây lúa, mà còn là hành trình tìm hiểu về chính mình, để biết yêu thương ruộng đồng, hiểu những giọt mồ hôi trên hạt gạo và mơ ước đưa nông sản Việt đi xa hơn. Một đất nước phát triển bền vững phải bắt đầu từ những hạt giống biết nói, từ những đứa trẻ biết nghĩ và biết yêu” – ông Lê Minh Hoan nói.
Đồng quan điểm, đồng chí Lê Hà Luân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Môi trường Đồng Tháp khẳng định: “Nông nghiệp bền vững không thể chỉ bắt đầu từ nhà khoa học hay người nông dân, mà phải bắt đầu từ trong ý thức của thế hệ kế tiếp. Đồng Tháp tự hào là nơi đề xuất sáng kiến, được chọn thí điểm, đồng hành cùng chương trình lần này, không chỉ để giới thiệu mô hình canh tác xanh của địa phương, mà còn để gieo mầm những công dân tương lai yêu đất, hiểu lúa và trân trọng môi trường sống. Đây cũng là dịp để chúng tôi gắn kết giáo dục và sản xuất, văn hóa và nông nghiệp thành một hành trình thống nhất”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Trưởng Văn phòng Điều phối Dự án “Đọc sách cùng Xích Lô” cùng nhà khoa học, “Vua lúa giống” Nguyễn Anh Dũng cùng nhà khoa học, “Vua lúa giống” Nguyễn Anh Dũng.
Không giấu nổi niềm vui thích và sự tin tưởng khi biết và là nhân vật trực tiếp có trong chuỗi trải nghiệm, nhà khoa học của nông dân, bác Nguyễn Anh Dũng, người được mệnh danh “Vua lúa giống” bày tỏ, cả đời ông làm giống lúa, nhưng với chương trình này ông mong muốn được gieo niềm tin vào thế hệ trẻ.
“Nghĩ về hình ảnh các cháu nhỏ về đồng ruộng, lắng nghe về cây lúa, tìm hiểu giống sen, thử cơm giữa đồng… tôi thấy tương lai nông nghiệp Việt không chỉ còn là chuyện của người lớn nữa. Nó là câu chuyện chung, bắt đầu từ lòng tự hào, từ trải nghiệm đầu đời, từ ánh mắt tò mò của một đứa trẻ khi nhìn thấy bông lúa trổ bông giữa đồng. Chỉ khi các em yêu ruộng đồng từ nhỏ, mai sau các em mới biết nâng giá trị của hạt gạo Việt mình làm ra” - nhà khoa học Nguyễn Anh Dũng mỉm cười.
Dịp này, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương bày tỏ tin tưởng rằng, chương trình “Kỳ hè Nông nghiệp xanh-Hành trình Hạt gạo tương lai” là cơ hội để các em thiếu nhi có thêm những bài học bổ ích về thiên nhiên, con người Việt Nam từ chính cánh đồng quê hương thân yêu. Qua đó, giáo dục kỹ năng xanh cũng như truyền cảm hứng để các em trở thành những công dân trách nhiệm với môi trường, tự hào với di sản nông nghiệp, văn hóa của dân tộc mình.
“Sau chương trình thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp, Hội đồng Đội Trung ương sẽ có đúc kết và hoàn chỉnh mô hình hoàn toàn mới này để nhân rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cam kết.
Cũng dịp này, đồng chí Nguyễn Thành Luân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Tỉnh đoàn Đồng Tháp luôn coi việc giáo dục thế hệ trẻ bằng trải nghiệm thực tiễn là một phương pháp hiệu quả và bền vững.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng từ hành trình này, các em sẽ trưởng thành hơn, không chỉ trong nhận thức mà còn trong thái độ sống. Mỗi chặng đi qua sẽ để lại trong các em một điều quý: Tình yêu quê hương, sự hiểu biết về nông nghiệp sạch và ý thức cùng chung tay gìn giữ màu xanh của tương lai”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thành Luân cho biết.