Khơi dậy tinh thần đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Sáng 01/7, tại tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2025).

Tham dự Lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đọc diễn văn Kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nêu rõ, đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là xã Nguyễn Văn Linh), tỉnh Hưng Yên.

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, được tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi sáng, dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh không sợ hy sinh, gian khổ, tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân. Năm 1930, đồng chí bị địch bắt lần đầu. Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, đồng chí vẫn bị chính quyền thực dân đưa ra xét xử, kết án tù chung thân và bị đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng khác, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động, tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Đầu năm 1939, Trung ương điều động đồng chí vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1941, đồng chí được Trung ương cử ra Trung Kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy mới. Tại đây, đồng chí lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Nhà nước đón từ Côn Đảo trở về để tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cho đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.

Trong thời gian này, đồng chí đã được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách, như: Bí thư Thành ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, phẩm chất của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống chân thành, thẳng thắn, chan hòa với đồng chí, Nhân dân.

Nhận thấy dấu hiệu của tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cản trở con đường đổi mới, có thể thành nguy cơ đe dọa đến uy tín của Đảng và sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng chí đã viết báo đấu tranh những biểu hiện đó. Những bài báo "những việc cần làm ngay" của tác giả N.V.L đăng trên báo Nhân dân vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, công khai, nói thẳng nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hôm nay ngày 01/7/2025, cả đất nước ta trên khắp 34 tỉnh, thành với 3.321 phường, xã, đặc khu bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình đơn vị hành chính địa phương hai cấp. Đây là bước chuyển mình lịch sử của dân tộc. Về cơ bản mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo, với tinh thần phục vụ Nhân dân cao nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.

Tổng Bí thư tin tưởng với sự quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ của Nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt những mục tiêu yêu cầu đã đặt ra. Chúng ta học tập tinh thần và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta hành động theo những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhất định sẽ thành công.

Đoàn lãnh đạo TPHCM dâng hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Sáng 01/7, tại Nghĩa trang Thành phố (Nghĩa trang Lạc Cảnh), đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM dẫn đầu đã đến dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2025). Cùng tham dự có đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố. Về phía Công an TPHCM dự có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc CATP.

Đoàn đại biểu TPHCM dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Tại đây, đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với những đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Cách mạng Việt Nam - người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc và sự nghiệp đổi mới của đất nước.

M.ANH

Nguyên Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/khoi-day-tinh-than-doi-moi-cua-tong-bi-thu-nguyen-van-linh_179951.html
Zalo