Khoảnh khắc của báo chí

Báo chí luôn gắn với những khoảnh khắc, những sự kiện trong đời sống xã hội. Có những khoảnh khắc đã làm nên những tác phẩm lớn, tạo ra sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội và sống mãi trong lòng của bạn đọc.

Trải qua chiều dài lịch sử 99 năm của báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã chứng kiến rất nhiều khoảnh khắc có giá trị to lớn. Đó là khoảnh khắc đẹp qua bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của tác giả Lâm Hồng Long. Tác phẩm này ra đời đúng vào thời điểm giải phóng miền Nam 30-4-1975.

Theo nghệ sĩ Lâm Hồng Long, ngày 4-5-1975, được tin có chuyến tàu chở 36 tử tù từ Côn Đảo về đất liền cập bến Rạch Dừa, Vũng Tàu, ông đã tìm tới để ghi lại sự kiện này. Đang đứng trước cổng khu nhà nơi đoàn nghỉ, chợt ông nghe thấy tiếng kêu của một bà má: "Má cứ tưởng con chết rồi...". Ông vội quay ra thì thấy một bà mẹ già người Nam bộ đang ôm choàng người con trai tử tù của mình, nghẹn ngào. Cảm động trước tình mẫu tử, nghệ sĩ nhanh tay bấm máy. Ông ý thức rất rõ, đây là một khoảnh khắc đáng lưu nhớ và không dễ gì lặp lại. Đó là bức ảnh mẹ con cụ Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của tác giả Lâm Hồng Long.

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của tác giả Lâm Hồng Long.

Khoảnh khắc đẹp cũng mang đến cho tác giả Đoàn Công Tính những tấm ảnh mang giá trị lớn trong suốt chiều dài lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó, có lẽ bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị” đã góp phần to lớn trong sự nghiệp làm báo của Đoàn Công Tính. Thời điểm đó, nhà báo, chiến sĩ Đoàn Công Tính khát khao ghi lại những khoảnh khắc của chiến trường nên đã tìm mọi cách để vào được trong Thành cổ, nơi chiến sự ác liệt nhất. Và rồi bức ảnh chụp người chiến sĩ ở Thành cổ là đồng chí Lê Xuân Chinh vào khoảng cuối tháng 8-1972 được ra đời, khi cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị vẫn đang tiếp diễn ác liệt.

Khoảnh khắc trong báo chí đôi khi diễn ra bất chợt, nhưng cũng có những khoảng khắc là kết quả của quá trình lao động, nỗ lực tìm kiếm. Làm báo chí cách mạng là như thế. Mỗi nhà báo cũng không ngừng nỗ lực, dấn thân, tìm kiếm những khoảnh khắc mới trong đời sống xã hội để mang đến cho độc giả những điều mới lạ, những khoảnh khắc hay, những nét đẹp đời thường của cuộc sống.

Mỗi nhà báo không ngừng trau dồi chuyên môn để tạo ra những khoảnh khắc đẹp.

Mỗi nhà báo không ngừng trau dồi chuyên môn để tạo ra những khoảnh khắc đẹp.

Nhưng dường như khoảnh khắc đối với mỗi nhà báo ít khi tự xuất hiện mà là kết quả của quá trình lao động cật lực, sự dấn thân và phán đoán tình huống sự kiện có thể diễn ra. Đó là sự tinh tế của mỗi người làm báo khi xử lý các sự kiện cần phản ánh và kết quả của quá trình lao động nghiêm túc. Trong ngồn ngộn thông tin mà mỗi nhà báo xử lý hàng ngày chỉ cần bắt nhịp được một vài khoảnh khắc cũng tạo nên tên tuổi của mỗi nhà báo. Điều này có ý nghĩa rất nhiều đối với báo chí cách mạng Việt Nam. Tất nhiên đó là những khoảnh khắc mang tính nhân văn tốt đẹp, có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội.

Nhưng trong chiều dài lịch sử 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, bên cạnh nhiều khoảnh khắc đẹp được truyền tải, thì ít nhiều cũng có những “khoảnh khắc” chưa đẹp đối với báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là tình trạng suy thoái, biến chất ở một số ít nhà báo. Đó là những “biến tướng” trong việc thực hiện kinh tế báo chí. Đó là việc một số “nhà báo” bị khởi tố do vi phạm pháp luật… Những “khoảnh khắc” này cần được nghiêm túc phân tích, đánh giá và chấn chỉnh kịp thời.

Lịch sử 99 năm vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam đã mang đến cho độc giả rất nhiều khoảnh khắc đẹp. Đó là điểm son của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Với bề dày lịch sử gần 100 năm, chúng ta có quyền tự nào về những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam. Vì lẽ đó, trong mỗi người làm báo cần không ngừng hun đúc, tự hào và tiếp tục nỗ lực để mang đến những “khoảnh khắc” đẹp cho cuộc sống.

TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202406/khoanh-khac-cua-bao-chi-1013423/
Zalo