Khoa học lý giải vì sao đi xe điện dễ bị say
Các nhà khoa học đã lý giải nguyên nhân vì sao nhiều người thấy chóng mặt, buồn nôn khi đi xe điện dù họ hoàn toàn ổn khi di chuyển nhiều giờ liền trên xe xăng.
Trái với một số quan niệm sai lầm, thủ phạm gây say xe không phải là từ trường do pin và hệ thống điện áp cao của xe điện. Dù mạnh hơn nhiều so với xe xăng, mức độ này vẫn quá thấp để ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả khi tiếp xúc lâu dài.
Theo nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Belfort-Montbéliard (Pháp), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng say xe điện là do hành khách và tài xế thiếu kinh nghiệm với loại phương tiện mới này. Động lực học của xe điện, bao gồm cách tăng tốc và phanh, khác biệt đáng kể so với xe sử dụng động cơ đốt trong.

Phụ nữ có xu hướng bị say xe nhiều hơn nam giới. (Nguồn: NDTV)
William Emond, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Belfort-Montbéliard lý giải rằng: “Khi đã quen đi xe xăng, não bộ chúng ta học cách nhận biết chuyển động của xe thông qua các tín hiệu như tiếng động cơ, độ rung máy, mô-men xoắn... Nhưng với xe điện, mọi thứ lại hoàn toàn khác. Đây là một môi trường chuyển động mới, buộc não bộ phải thích nghi lại từ đầu.”
Nói cách khác, não bộ và tai của người ngồi trên xe điện chưa quen với kiểu vận hành, tăng tốc êm ru của loại phương tiện này, khiến "sự êm ái phản tác dụng". Não bộ thiếu đi các tín hiệu vốn quen thuộc, như tiếng động cơ để báo hiệu xe đang tăng tốc, độ rung hay âm thanh để cảnh báo xe sắp dừng lại. Hành khách gần như không có dấu hiệu nhận biết để "chuẩn bị tinh thần” cho những thay đổi về chuyển động, nên dễ bị choáng và buồn nôn.
Không dừng lại ở đó, hệ thống phanh tái tạo (regenerative braking) – đặc trưng của hầu hết các mẫu xe điện hiện nay cũng được cho là yếu tố góp phần gây say xe. Khi người lái nhả chân ga, xe sẽ tự động giảm tốc để thu hồi năng lượng về pin, thay vì “trôi” một quãng rồi mới phanh như xe chạy xăng. Điều đó có nghĩa là xe giảm tốc độ dần dần và đều đặn, trong một khoảng thời gian tương đối dài, thay vì giảm tốc độ nhanh hoặc đột ngột. Việc giảm tốc độ ở tần số thấp như vậy thường gây ra mức độ say xe cao hơn.
Theo InsideEVs, một nghiên cứu năm 2024 trên 16 người dễ say xe cho thấy mối liên hệ rõ rệt giữa mức độ buồn nôn và lực phanh tái tạo. Kết luận cho biết: “Càng phanh mạnh, người ngồi trong xe càng dễ bị say. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của các tín hiệu chuyển động trong xe điện và gợi mở hướng cải tiến cho thiết kế hệ thống phanh cũng như giao tiếp người–máy.”
Để giảm thiểu tình trạng say xe trên xe điện, các nhà khoa học cho rằng các tín hiệu thị giác và rung động sẽ giúp ích. Cụ thể, xe điện có thể trang bị màn hình tương tác, hệ thống đèn ambient (chiếu sáng không gian nội thất) hoặc tín hiệu rung nhẹ. Những giải pháp đó có thể giúp não bộ người ngồi trong xe điện dự đoán được các chuyển động sắp xảy ra, tránh cảm giác bị “giật mình” hay mất phương hướng khi xe tăng tốc hoặc giảm tốc đột ngột.