Khó xử phạt tình trạng hút thuốc trong cơ sở y tế
Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có những quy định rõ về việc xử phạt vi phạm hành chính khi hút thuốc tại nơi công cộng, nhất là trong các cơ sở y tế, nhưng thực tế, nhiều hành vi hút thuốc lá khó xử phạt.
Việc xử phạt các vi phạm hút thuốc lá trong khuôn viên cơ sở y tế theo quy định vẫn còn nhiều khó khăn.
Bác sĩ cũng… “bó tay”
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam không cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 117/2020/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bất kỳ ai khi sử dụng thuốc lá không đúng quy định đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Theo đó, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao…
Dù vậy, tình trạng thân nhân bệnh nhân, thậm chí là bệnh nhân hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện vẫn còn.
Bác sĩ Nguyễn Võ Chiến, Phó trưởng khoa Nội tim mạch – lão học, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, đa phần bệnh nhân nhập khoa chữa trị trong tình trạng bệnh nặng, trong đó, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh do thuốc lá gây ra. Cụ thể, tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim), xơ phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi…
Theo bác sĩ Chiến, có những bệnh nhân vào viện do suy tim vào đợt cấp với các biểu hiện khó hở, suy hô hấp. Các y bác sĩ đã cật lực cứu chữa qua cơn nguy kịch và hồi phục. Nhưng ngay sau đó không lâu, bệnh nhân lại lén đi hút thuốc dù khoa đã dán biển “cấm hút thuốc” ở khắp nơi, kể cả góc ngách, ít người qua lại. “Bản thân tôi cũng như các nhân viên trong khoa đi nhắc nhở bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân về việc không hút thuốc. Nhưng họ thấy mặt mình có thể không hút còn “khuất mặt” y, bác sĩ thì… “đâu lại vào đó”. Chúng tôi cũng khá đau đầu khi bệnh nhân không tuân thủ điều trị, từ đó, bệnh nặng và tái phát nhiều lần hơn và khả năng tử vong cao hơn” – bác sĩ Chiến bày tỏ.
Bác sĩ Chiến dẫn chứng, có nhiều nghiên cứu cho thất, nếu bệnh nhân bị các bệnh về phổi, tim mạch, huyết áp… vẫn giữ thói quen hút thuốc thì tần suất vào viện sẽ dày hơn, bệnh nặng hơn. Ví dụ, bệnh nhân bị COPD vẫn hút thuốc lá thì số lần nhập viện cao gấp 3-4 lần, và mức độ bệnh nặng nhiều hơn so với người cũng mắc COPD mà không hút thuốc.
Theo Bộ Y tế, sau 10 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực hiện, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành nước ta đã giảm từ hơn 54% xuống còn gần 39%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể.
Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chưa xử lý bất cứ trường hợp hút thuốc lá nào
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Cao, Phó giám đốc BVĐK khu vực Long Thành cho biết thêm, trong buồng bệnh, khu khám chữa bệnh, bệnh viện tuyệt đối cấm người bệnh hay thân nhân bệnh nhân hút thuốc. Thực tế, ở những nơi này, họ cũng không hút thuốc. Tuy nhiên, ở ngoài những khu vực trên, tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra. “Bệnh viện không thể đi theo sát từng bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân để nhắc nhở việc không/ cấm hút thuốc được. Dù có những quy định xử phạt nhưng thực tế, chúng tôi cũng chưa xử lý bất cứ bất cứ trường hợp nào dù trong khuôn viên bệnh viện vẫn có người hút thuốc. Chúng tôi chỉ tuyên truyền là chủ yếu” – bác sĩ Cao bày tỏ.
Và chung cảnh ngộ, BVĐK khu vực Long Khánh gần như không thể xử phạt tiền với người hút thuốc trong bệnh viện vì bệnh viện không thể xuất phiếu phạt và chưa có hướng dẫn chi tiết với việc xử lý tiền phạt hút thuốc.
Anh Trần Hữu Phát, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng – công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, mặc dù tại tất cả các khoa, phòng, bệnh viện đều có bảng cấm hút thuốc và nêu rõ: “Xử phạt từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng với hành vi hút thuốc trong bệnh viện theo Điều 25 Nghị định 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” và nhân viên y tế thường xuyên tuyên tuyền bằng loa hay nhắc nhở trực tiếp nhưng một số người nuôi bệnh, người bệnh lớn tuổi vẫn hút trong khuôn viên bệnh viện.
“Khi được nhắc nhở, người hút thuốc thường lảng tránh, bỏ đi hay nói rằng, không biết trong bệnh viện cấm hút thuốc… Thậm chí, nhiều người còn tỏ thái độ khó chịu khi bị chúng tôi nhắc nhở” – anh Phát chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Cao, để hạn chế tình trạng hút thuốc trong cơ sở y tế, các bệnh viện cần phải có tổ chuyên kiểm tra, nhắc nhở việc hút thuốc trong bệnh viện hoặc chính những người bên cạnh nhắc nhở những người hút thuốc lá ngừng hành động này. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người hút thuốc. Thuốc lá gây ra hàng trăm căn bệnh nguy hiểm không còn phải là khẩu hiệu mà đã là thực tế hiện hữu suốt nhiều năm qua.