Khó khả thi

Một lần nữa, Hà Nội lên kế hoạch xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị. Bảo đảm an toàn thực phẩm là cần thiết, trong đó có mặt hàng trái cây. Nhưng liệu các biện pháp áp dụng có khả thi hay rồi đâu vẫn hoàn đó, có khi còn làm khó cả người bán lẫn người mua.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025”, nhằm bảo đảm trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh trái cây trên địa bàn và nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây tại các điểm kinh doanh không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% cửa hàng kinh doanh thuộc đối tượng của Đề án được cấp biển nhận diện "cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn".

Mục đích là tốt, nhưng quan trọng là có phù hợp với thực tế đời sống hay không, có bảo đảm tính khả thi hay không.

Trước nay, nguồn hàng trái cây vào thị trường Hà Nội qua rất nhiều kênh, như đường bộ, chợ đầu mối, đường hàng không và cả buộc sau những chiếc xe đạp, xe máy và người gánh gồng. Trái cây được bày bán mọi nơi, từ siêu thị cho đến chợ dân sinh, trong các ngõ hẻm kể cả ngay bên đường. Về phía người tiêu dùng thì “tiện đâu mua đấy”, thấy đẹp mã, giá cả phải chăng là mua.

Tháng 10/2017, Hà Nội cũng đã công bố thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, thực hiện đến hết năm 2018. Phấn đấu trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, sau đó tình hình cũng không có gì khác, trái cây vẫn được bán theo nhiều cách như cũ. Kể cả hệ thống cửa hàng bán thực phẩm “sạch” thì hàng hóa từ chợ đầu mối vẫn “tuồn” vào, sau đó được “thay tên, đổi họ”, dán nhãn mác biến thành thực phẩm “sạch”.

Có biển hiệu “thực phẩm sạch” hẳn hoi nhưng vẫn không quản lý được thì làm sao “quản” được trái cây bán ở những chợ đầu mối, chợ “cóc”, hàng rong? Lực lượng quản lý thị trường vốn đã mỏng, kiểm soát phần lớn vẫn là cảm tính quan sát bằng mắt thì làm sao hiệu quả như chủ trương đã đề ra. Mà nếu vậy thì cũng chỉ là hình thức, chỉ kiểm soát về mặt thủ tục hành chính chứ khó có thể kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm.

Cũng như các mặt hàng thực phẩm khác, đối với trái cây quan trọng nhất vẫn là chất lượng, ngon bổ rẻ. Người tiêu dùng bao giờ cũng lựa chọn trái cây tươi, đẹp mã và coi đó là yếu tố hàng đầu.

Quan trọng nhất vẫn là cơ quan chức năng kiểm soát, ngăn chặn trái cây bị tẩm ướp nhằm giữ được độ tươi và màu sắc, trong khi chất lượng không bảo đảm do tồn dư hóa chất độc hại, mà điều đó thì người sử dụng không thể tự lo.

Trở lại với Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025”, cho dẫu Đề án nêu đủ mục đích, yêu cầu, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và tổ chức thực hiện.... thì xem ra vẫn không rõ tính khả thi, nếu như không giải quyết được gốc rễ vấn đề là ngăn chặn trái cây kém chất lượng đã được ngụy trang bán ra thị trường.

Liệu có lặp lại tình trạng “trống giong cờ mở” rồi lại “đánh trống bỏ dùi”, được một thời gian đâu lại vào đấy?

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kho-kha-thi-10295343.html
Zalo