Khó đưa vốn vay tín dụng tiếp cận học sinh, sinh viên
Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chương trình này đang gặp khó khăn do thực tế nhiều đối tượng không còn nhu cầu vay vốn; ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình trong giai đoạn hiện tại.

Dù cán bộ Ngân hàng CSXH đã xuống địa bàn giao dịch song việc học sinh chọn đi làm khiến việc triển khai các chương trình vay vốn cho học sinh, sinh viên bị hạn chế.
Thực tế tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Nậm Pồ cho thấy, việc triển khai nguồn vốn vay ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vay giảm mạnh. Hiện nay, số lượng học sinh, sinh viên tiếp tục học lên sau THPT vẫn tăng, song nhiều em chọn đi làm tại các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động thay vì học đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, đời sống người dân đã được cải thiện, nhiều gia đình có điều kiện lo cho con em ăn học mà không cần vay vốn.
Ông Hoàng Xuân Quyết, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nậm Pồ cho biết: Thực tế hiện nay, số hộ có nhu cầu vay vốn học sinh, sinh viên ngày càng ít. Việc thiếu hụt nhu cầu khiến chương trình vay ưu đãi học sinh, sinh viên khó triển khai hiệu quả tại địa phương. Trong khi đó, các nguồn vốn khác của Ngân hàng CSXH như vay hỗ trợ sản xuất, vay giải quyết việc làm vẫn hoạt động ổn định và được người dân quan tâm hơn.
Việc triển khai chương trình cho vay ưu đãi học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và cho vay mua máy vi tính, thiết bị học tập tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Mường Nhé cũng gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu thực tế của khách hàng ngày càng hạn chế. Theo ông Dương Thành Nghĩa, Giám đốc Phòng Giao dịch, hiện tại chỉ còn một vài trường hợp đang có dư nợ cũ, còn gần đây những khoản vay mới phát sinh rất hạn chế. Dù đơn vị đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân, nhưng kết quả vẫn đạt thấp.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH Nậm Pồ phổ biến các chương trình đến với cán bộ, người dân trên địa bàn.
Thực tế hiện nay, phần lớn học sinh có điều kiện học lên đại học, cao đẳng thường là con em các gia đình khá giả, sinh sống tại khu vực trung tâm hoặc thành phố, nên không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Ngược lại, đối với các hộ nghèo, dù có con em muốn tiếp tục học tập, họ vẫn e ngại vay vốn vì lo sợ gánh nặng nợ nần sau khi ra trường, đặc biệt là trong bối cảnh cơ hội việc làm chưa thực sự đảm bảo. Tâm lý này khiến nhiều hộ gia đình bỏ lỡ cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên.
Bà Lò Thị Xinh, xã Thanh Nưa chia sẻ: “Con gái tôi học xong THPT và có nguyện vọng học tiếp đại học, nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, cháu học xong chuyên nghiệp cũng khó kiếm việc làm nên dù biết có chính sách vay vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH, song tôi vẫn băn khoăn, không dám vay vì sợ không trả được sau này”.
Theo số liệu từ Ngân hàng CSXH tỉnh, đến hết tháng 5/2025, toàn tỉnh có 60 khách hàng vay vốn theo chương trình cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg với tổng dư nợ gần 2,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập cũng đang được triển khai với 38 khách hàng, tổng dư nợ đạt 487 triệu đồng. Mặc dù số lượng học sinh tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi vẫn còn khá thấp và chưa tương xứng với nhu cầu thực tế.

Các chính sách và chương trình tín dụng được Ngân hàng CSXH Tuần Giáo triển khai đến từng hộ gia đình có nhu cầu nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, lãnh đạo các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH cho biết, một phần do điều kiện kinh tế của người dân đã được cải thiện, nhiều gia đình có ít con nên đủ khả năng tự chi trả chi phí học tập cho con em. Ngoài ra, công tác tuyên truyền chính sách vay vốn ưu đãi tại một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa sâu rộng và hiệu quả, dẫn đến việc người dân chưa nắm rõ quyền lợi cũng như điều kiện được vay. Do đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương trong việc phối hợp cùng Ngân hàng CSXH để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, đặc biệt là hướng đến các đối tượng thực sự cần hỗ trợ như hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay từ đầu năm 2025, các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân; tăng cường hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo công khai, dân chủ trong công tác quản lý và giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, Ban Chỉ đạo giảm nghèo, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác để tổ chức rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người chấp hành xong án phạt tù, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người dân có nhu cầu vay vốn cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Công tác tuyên truyền được các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đẩy mạnh nhằm mang lại hiệu quả triển khai chương trình.
Các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là cho vay học sinh, sinh viên, tuy còn gặp khó khăn trong việc mở rộng đối tượng thụ hưởng, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập. Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở để đưa chính sách đến đúng đối tượng. Đặc biệt ưu tiên học sinh, sinh viên mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em hộ nghèo, hộ cận nghèo… nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục toàn diện, bền vững, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa.