Khi va chạm giao thông trở thành án mạng...

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Cái kết đắng từ những hành vi hung hãn

Bạo lực khi tham gia giao thông không phải câu chuyện mới trên đường phố. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, từ người điều khiển phương tiện cơ giới tới thô sơ, từ người trẻ tới người già, từ xô xát tới án mạng. Thay vì bình tĩnh giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông thì không ít người tham gia giao thông lại thích dùng bạo lực, hung khí, nắm đấm để nói chuyện, để giải quyết sự việc...

Hiện trường vụ tài xế xe tải đâm tài xế xe bán tải nguy kịch tại TP Thủ Đức

Hiện trường vụ tài xế xe tải đâm tài xế xe bán tải nguy kịch tại TP Thủ Đức

Mấy ngày qua, nhiều người chứng kiến cảnh tài xế hai xe tải đang đi trên đường Đinh Đức Thiện, ấp 3, xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) thì xảy ra mâu thuẫn do chạy ép nhau rồi dừng lại trên đường. Hai người trên hai xe tải liền xuống xe, chẳng cần nói chuyện phải trái, một người cầm cục đá, người còn lại cầm cây sắt lao vào đánh nhau. Người đàn ông cầm cục đá sau đó ném về phía người đàn ông cầm cây sắt, rồi lên xe tải, đóng cửa lại.

Người kia tránh được rồi lao tới đập bể kính xe tải, xoay cây sắt chọt vào bên trong cabin. Một người đàn ông khác cũng cầm cục đá ném vào kính xe. Ít phút sau, xe tải rời đi, người đàn ông cầm cây cũng phóng lên xe tải, đuổi theo... Diễn tiến sự việc khiến người đi đường khiếp vía. Toàn bộ hình ảnh vụ việc đã được một người dân quay lại và sau đó lan truyền lên mạng xã hội vào ngày 20/11.

Trước đó mấy ngày, vụ việc xảy ra ở vòng xoay công viên Gia Định, trên đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp, cũng khiến người đi đường một phen hoảng hốt.

Theo hình ảnh lan truyền trên mạng (ngày 13/11), chiếc ô tô loại 7 chỗ đang lưu thông qua khu vực vòng xoay công viên Gia Định, hướng vào đường Nguyễn Thái Sơn thì tông vào xe máy do một người đàn ông cầm lái. Sau va chạm, người đàn ông cùng xe máy ngã xuống đường. Người đàn ông không bị thương, liền hùng hổ chặn trước đầu ô tô và dùng mũ bảo hiểm đập cửa kính chắn gió ô tô và lớn tiếng với tài xế. Tài xế ô tô không dừng lại mà điều khiển xe rời đi.

Người đàn ông dùng cây sắt và đá đập phá xe tải trong vụ việc ở ấp 3, xã Bình Chánh

Người đàn ông dùng cây sắt và đá đập phá xe tải trong vụ việc ở ấp 3, xã Bình Chánh

Người đàn ông dựng xe máy, đuổi theo. Khi đến đoạn đường Phạm Ngũ Lão thì chặn lại, tay cầm một cục đá đe dọa: “Mày dám tông tao hả” và yêu cầu tài xế ô tô ra nói chuyện...

Vào khoảng 17h ngày 18/10, gần giao lộ Nguyễn Ảnh Thủ - Bùi Văn Ngữ (giáp ranh phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 và xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) xảy ra va chạm giữa hai xe gắn máy chở theo 4 học sinh.

Điều đáng nói là sau khi xảy ra va chạm, hai học sinh gây ra va chạm đã dùng mũ bảo hiểm, tay chân tấn công tới tấp vào hai học sinh còn lại. Lực lượng chức năng xác định học sinh bị đánh thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 12, còn học sinh tấn công người khác đang theo học tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật quận 12. Vụ việc khiến giao thông qua khu vực bị ùn tắc...

Hay, khoảng 1h ngày 30/10, nam tài xế chưa rõ danh tính lái xe tải biển số 51D-163.74 và tài xế Đào Lê Kim Đ. (sinh năm 1976, ngụ TP Thủ Đức) lái xe bán tải biển số 51D-853.83 chạy trên quốc lộ 1 hướng TP Thủ Đức đi quận 12. Do đã có va quệt trước đó, khi đến chân cầu vượt ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), hai xe dừng lại, hai tài xế xuống xe cự cãi qua lại dẫn tới xô xát. Sau đó, tài xế ô tô tải đã dùng hung khí đâm người lái xe bán tải khiến nạn nhân bị thương nặng, tay ôm vết thương ở bụng kêu cứu. Sau khi gây án, tài xế xe tải nhanh chóng rời khỏi hiện trường, còn tài xế xe bán tải được đưa vào Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng nguy kịch...

Mới đây, ngày 5/11, tại phiên tòa do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử, bị cáo Hứa Minh Quân (sinh năm 1993) đã bị tuyên phạt tù chung thân về tội giết người. Nguyên nhân ban đầu của vụ việc cũng chỉ xuất phát từ một vụ va cham giao thông đơn thuần...

Tại phiên tòa, bị cáo nhiều lần quay ra sau, cúi gập người về phía gia đình bị hại, liên tục nói lời xin lỗi, bày tỏ sự ân hận.

Để hạ hỏa những cái “đầu nóng”

Qua các vụ việc kể trên, có thể thấy việc cự cãi, ẩu đả, thậm chí gây án mạng sau va chạm giao thông đã không còn là chuyện quá lạ lẫm dù va chạm giao thông trên đường phố là điều không ai mong muốn và nhiều mâu thuẫn nếu được xử lý bình tĩnh sẽ chỉ dừng lại ở mức lời xin lỗi hoặc thỏa thuận bồi thường. Tuy nhiên, vì không giữ được bình tĩnh, nhiều người đã dễ dàng bị cuốn vào các xung đột, gây ra những hậu quả như cãi vã, đánh nhau, đâm nhau, thậm chí phá hoại tài sản, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Người đàn ông cầm đá chặn trước đầu ô tô đe dọa, trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò VấpNgười dân khống chế người đánh đập nam sinh tại hiện trường

Người đàn ông cầm đá chặn trước đầu ô tô đe dọa, trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò VấpNgười dân khống chế người đánh đập nam sinh tại hiện trường

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông, nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do ý thức của một số người dân về văn hóa tham gia giao thông còn khá hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả ra sao.

Ở khía cạnh khác, việc thiếu hiểu biết pháp luật cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân tham gia giao thông tự cho mình quyền phán xét, hành hung người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ phải đối mặt bởi chính hành vi của mình.

Việc sử dụng bạo lực không chỉ làm tổn hại đến bản thân người tham gia mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giao thông chung của xã hội. Việc này cũng tạo nên những tiền lệ xấu, khuyến khích cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì bằng biện pháp thỏa thuận, hòa giải.

Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh, khi xảy ra va chạm giao thông thì các bên cần bình tĩnh, ứng xử văn minh để đưa phương án giải quyết tối ưu nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau. Nếu người trong cuộc sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với nhau thì chỉ khiến đôi bên cùng thiệt hại và có thể vướng vòng lao lý.

Thiếu tá Võ Ngọc Toản, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân, nhận định rằng hành vi bạo lực trong giao thông đã tồn tại từ lâu nhưng nay lại phổ biến hơn. Thiếu tá Võ Ngọc Toản cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Việc thiếu kiềm chế, không tuân thủ Luật Giao thông thường khiến người tham gia giao thông dễ dàng bị cuốn vào các tình huống căng thẳng, dẫn đến hành vi quá khích.

Theo Thiếu tá Võ Ngọc Toản, dù ai đúng, ai sai, việc xô xát và tranh cãi trên đường phố là hành vi không đúng mực, gây ảnh hưởng đến người khác, làm mất trật tự, an toàn giao thông và có thể thu hút đông người tụ tập tạo nên một tình huống bất ổn. Những yếu tố như đường phố đông đúc, áp lực thời gian khi di chuyển hoặc những bất cập trong hệ thống giao thông cũng là tác nhân gây căng thẳng cho người tham gia giao thông.

Thái độ bình tĩnh, tỉnh táo trong mọi tình huống sẽ giúp giảm thiểu các xung đột không đáng có, tạo sự an toàn và văn minh khi tham gia giao thông. Để tránh các tình huống căng thẳng không cần thiết trên đường phố, Thiếu tá Võ Ngọc Toản khuyến cáo người dân không nên tự xử lý các xung đột mà hãy tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Nếu bị khiêu khích hoặc đối diện với hành vi hung hãn, tốt nhất là nên tránh xa, ghi nhận lại các bằng chứng cần thiết để bảo vệ bản thân và cung cấp cho cơ quan chức năng.

Việc kiềm chế cảm xúc và duy trì thái độ văn minh không chỉ giúp giữ gìn hình ảnh cá nhân mà còn tạo nên một môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu những rủi ro cho cả cộng đồng.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho gần 30 người khác bị thương tật. Tại TP Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2024, xảy ra 1.234 vụ tai nạn giao thông, khiến 380 người chết và 768 người bị thương.

Thật đáng buồn, theo thống kê của ngành chức năng, có trên dưới 80% sự cố xảy ra trên đường là do văn hóa giao thông của người tham gia giao thông kém. Do đó, vấn đề cần phải tiếp tục đặt ra là phải xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, không chỉ trên bình diện ứng xử quan hệ giữa con người với luật và các công cụ kỹ thuật mà còn ở tầm mức cao hơn: quan hệ giữa con người với con người khi tham gia lưu thông phải nhân văn hơn và văn hóa hơn.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/khi-va-cham-giao-thong-tro-thanh-an-mang-i751193/
Zalo