Khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ…
Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nửa đầu năm 2025 tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 18-20%.
Xu hướng này sẽ mang lại cơ hội lớn cho giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư, khi mở ra các cơ hội kinh doanh mới để đón đầu chu kỳ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức và rủi ro cho nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 6-2025 đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng - mức tăng trưởng tín dụng kỳ sáu tháng đầu năm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: LÊ VŨ
Động lực tăng trưởng
Tính đến ngày 26-6-2025, tín dụng tăng 8,3% so với cuối năm 2024, gấp 1,7 lần mức tăng của cùng kỳ sáu tháng đầu năm 2024 (4,85%), theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính). Còn theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 6-2025 đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng tín dụng kỳ sáu tháng đầu năm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Như vậy, chỉ trong vòng bốn ngày còn lại của tháng 6, dư nợ tín dụng đã tăng 1,6%, tương đương tăng thêm gần 250.000 tỉ đồng, tức mỗi ngày có khoảng 62.500 tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế. Biết rằng các tổ chức tín dụng (TCTD) thường chạy chỉ tiêu trong những ngày cuối quí để làm đẹp sổ sách báo cáo và đạt KPI, nhưng rõ ràng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ như vậy cũng cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đã lên cao trở lại.
Một chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là điều cần thiết, nhưng nếu nới lỏng quá mức kéo theo nguy cơ lạm phát và gây bất ổn nền kinh tế là điều cần phải dè chừng, vì khi đó các thành quả tăng trưởng cũng sẽ bị xói mòn. Đặc biệt, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tầng lớp thu nhập thấp vẫn chiếm đa số và cũng là đối tượng dễ bị tác động và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2025 là 16%, chỉ mới nửa đầu năm đã đạt 62% tiến độ kế hoạch. Đây là diễn biến tích cực và khác biệt so với những năm trước, khi năm nay tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Việc NHNN sớm thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng đến từng ngân hàng từ những ngày cuối năm 2024, cũng như cho biết sẵn sàng nới chỉ tiêu cho các TCTD sử dụng hết room và đáp ứng đủ điều kiện, đã thúc đẩy các TCTD chạy chỉ tiêu từ sớm.
Theo đánh giá của NHNN, đó là nhờ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Một số lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó có các lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, trong thời gian qua, các TCTD đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, như: chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã nâng quy mô từ 15.000 tỉ đồng lên 100.000 tỉ đồng; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, ước tính đến cuối tháng 6, doanh số lũy kế cho vay đạt khoảng 5.200 tỉ đồng.
Một số chương trình khác như: chương trình cho vay nhà ở xã hội; cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chương trình tín dụng 500.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số; các chương trình tín dụng chính sách... cũng đang được các TCTD tích cực triển khai.
Tuy nhiên, yếu tố tác động lớn nhất có lẽ là niềm tin của các doanh nghiệp đang quay lại, dựa trên triển vọng kinh doanh khả quan với quyết tâm tăng trưởng kinh tế lên đến hai chữ số của Chính phủ trong giai đoạn tới, riêng năm 2025 phấn đấu đạt mục tiêu 8%. Trước kỳ vọng nền kinh tế sẽ mở rộng nhanh hơn, các doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để đón đầu chu kỳ bứt phá kế tiếp của nền kinh tế.
Đặc biệt, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy giải ngân các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, cũng góp phần lan tỏa đến động lực đầu tư của khu vực tư nhân. Thậm chí, một số tập đoàn tư nhân lớn gần đây còn mong muốn được tham gia làm chủ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn của quốc gia.
Cơ hội và thách thức
Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nửa đầu năm 2025 tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 18-20%. Lần cuối cùng tăng trưởng tín dụng vượt con số 18% là vào năm 2017, tức cách đây đã tám năm. Với đà tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ đang diễn ra tại nhiều TCTD, cũng như nhìn vào sự sôi động của nền kinh tế và sự phục hồi của thị trường bất động sản, mức tăng trưởng tín dụng này trong năm nay không phải là điều quá khó.
Đáng lưu ý, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn cũng đạt mức tăng khá tốt so với giai đoạn trước, khi tăng lần lượt là 7,09% và 6,11% so với cuối năm 2024, theo báo cáo của Cục Thống kê tính đến ngày 26-6-2025. Nếu so với mức tăng trưởng tương ứng 2,48% và 1,82% của cùng kỳ năm 2024, cho thấy cung tiền đang mở rộng nhanh hơn cùng với tín dụng, như là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế.
Xu hướng này sẽ mang lại cơ hội lớn cho giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư, khi mở ra các cơ hội kinh doanh mới để đón đầu chu kỳ tăng trưởng cao như đã nói. Dòng vốn dồi dào hơn cũng giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tăng khả năng tiếp cận vốn, nhất là khi các TCTD cũng muốn đẩy mạnh cho vay nhiều hơn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao và mở rộng quy mô kinh doanh nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có thể sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên, có thể thấy, với khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn tiếp tục mở rộng, chênh lệch giữa quy mô tín dụng và huy động vốn theo số tuyệt đối trong hệ thống đang ngày càng nới rộng hơn. Cụ thể, với quy mô tín dụng gần 17,2 triệu tỉ đồng tính đến hết tháng 6, trong khi tiền gửi toàn hệ thống ước tính ở 15,6 triệu tỉ đồng, mức chênh lệch 1,5 triệu tỉ đồng giữa tín dụng và tiền gửi đang được bù đắp bởi các giấy tờ có giá mà TCTD phát hành ra, cũng như nguồn vốn tự có cấp 1 của các TCTD.
Nhưng nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, đặc biệt tín dụng vẫn ngày càng tăng tốc nhanh hơn, mặt bằng lãi suất sẽ chịu áp lực là điều tất yếu. Dù nhà điều hành đã có nhiều nỗ lực để giữ ổn định lãi suất trong những năm qua, với các chính sách, giải pháp điều hành linh hoạt, nhưng khi thanh khoản hệ thống eo hẹp và thiếu hụt vì nguồn vốn đầu vào không tăng theo kịp nhu cầu vốn cho vay ra, lãi suất sẽ đi lên cao hơn là điều khó tránh khỏi. Nhà điều hành khi đó cần phải nới lỏng cung tiền hơn nữa để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Như vậy, khi cung tiền và tín dụng đều tăng nhanh, lạm phát cũng sẽ chịu áp lực nhiều hơn. Gần đây, quan điểm về việc chấp nhận lạm phát để đạt mức tăng trưởng cao hơn ở hai chữ số được nhắc đến. Trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị và xung đột quân sự đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm chiến tranh thương mại và các hàng rào thuế quan đang được dựng lên, các thách thức bên ngoài cùng với những rủi ro bên trong càng gây áp lực lên các biến số quan trọng như tỷ giá hay lạm phát.
Một chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là điều cần thiết, nhưng nếu nới lỏng quá mức kéo theo nguy cơ lạm phát và gây bất ổn nền kinh tế là điều cần phải dè chừng, vì khi đó các thành quả tăng trưởng cũng sẽ bị xói mòn. Đặc biệt, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tầng lớp thu nhập thấp vẫn chiếm đa số và cũng là đối tượng dễ bị tác động và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát.