Khí thải xe máy là 'sát thủ vô hình' đe dọa sức khỏe và môi trường đô thị

Hà Nội đang oằn mình dưới gánh nặng khí thải từ hàng triệu xe máy cũ kỹ. Mỗi cú rồ ga không chỉ là âm thanh quen thuộc của phố phường mà còn là những đám khói độc vô hình len lỏi vào từng nhịp thở, âm thầm bào mòn sức khỏe cộng đồng.

Xe máy cũ chạy xăng thải ra hàng loạt khí độc

Việt Nam hiện có hơn 70 triệu xe máy đang lưu hành, trong đó rất nhiều xe cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu và không được kiểm định khí thải định kỳ. Theo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí gồm nguồn giao thông vận tải như bụi đường, khí thải từ phương tiện cơ giới dùng nhiên liệu hóa thạch… Trong đó, các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là xe cũ) có mức phát thải cao hơn nhiều so với các phương tiện mới và chưa có quy định bắt buộc nâng cấp hoặc loại bỏ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường, hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là xe máy, đóng góp từ 20% đến 60% vào tổng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí đô thị. Tại TP.HCM, các nguồn phát thải chính của PM2.5 bao gồm phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp, trong đó xe máy chiếm tỷ lệ đáng kể.

Khí thải xe máy cũ có nhiều thành phần độc hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Khí thải xe máy cũ có nhiều thành phần độc hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) TP Hà Nội, hoạt động giao thông là một trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí. Các chỉ số ô nhiễm phổ biến gồm: Bụi mịn PM 2.5, bụi PM 10, dioxit nito (NO2), dioxit lưu huỳnh (SO2), carbon monoxide (CO), ozone mặt đất (O3).

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân, nhưng cũng chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng – yếu tố góp phần làm gia tăng bệnh tật và tử vong sớm. Một nghiên cứu mới đây do Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải thực hiện đã chỉ ra nhiều bằng chứng cảnh báo mạnh mẽ về tác hại của khí thải xe máy cũng như tính khả thi của các giải pháp kiểm soát.

Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 3.867 người dân tại Hà Nội (trong đó có 2.576 người đến kiểm tra khí thải và 1.291 người qua các kênh khác) về kiểm soát khí thải xe máy. Trong số đó, 97% người được hỏi sử dụng xe máy là phương tiện giao thông chính.

Theo nghiên cứu, sau 7 năm sử dụng, xe máy bắt đầu có xu hướng vượt ngưỡng phát thải cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6438:2018. Đáng chú ý, tỷ lệ xe vượt chuẩn tăng lên đến 51% với các phương tiện trên 12 năm sử dụng. Các loại khí phát thải phổ biến gồm CO (carbon monoxide) và HC (hydrocarbon) – những tác nhân có thể gây ngộ độc, ung thư và các bệnh đường hô hấp nếu phơi nhiễm kéo dài.

Theo Tổ chức Đo lường Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (IHME), ô nhiễm không khí là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm tại Việt Nam. Tại Hà Nội, năm 2019 có tới 2.855 ca tử vong sớm liên quan đến bụi PM2.5 – loại bụi siêu mịn có thể xuyên sâu vào phổi, gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ hô hấp và tim mạch. Trong đó, xe máy là thủ phạm chính gây ra đến 90% lượng hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) và 46% bụi PM0.1 – những "sát thủ siêu nhỏ" mà mắt thường không nhìn thấy.

Giảm ô nhiễm không khí, người dân hưởng lợi

Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, theo lý thuyết, phương tiện xe máy tuân thủ chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất thì có thể giảm bớt lượng khí ô nhiễm phát sinh trong quá trình vận hành đồng thời giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe đến khoảng 7%. Chi phí bảo dưỡng kỹ thuật hoặc sửa chữa bộ phận khí thải phương tiện giữa hai kỳ kiểm định bao gồm thay dầu nhớt, lọc gió, bugi, chỉnh vít gió là 180.000- 250.000 đồng/lần/xe. Song, lợi ích thu được do bảo dưỡng kỹ thuật là lớn hơn, bao gồm tiết kiệm được chi phí nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ của phương tiện, chưa tính tới các lợi ích khác về sức khỏe và môi trường.

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia kiến nghị áp dụng kiểm định khí thải định kỳ 1 lần/năm, với mức phí hợp lý (30.000–50.000 đồng/lần); Khuyến khích bảo dưỡng định kỳ bằng chính sách ưu đãi; Hỗ trợ đổi xe cũ cho người thu nhập thấp; Xã hội hóa công tác kiểm định để tăng độ phủ và giảm tải cho hệ thống quản lý nhà nước.

Nếu được thực hiện đồng bộ, các giải pháp này có thể giúp Hà Nội giảm 167.000 tấn khí CO và 15.000 tấn HC mỗi năm – tương đương giảm gần một nửa lượng khí độc từ xe máy đang làm ô nhiễm không khí đô thị.

Theo PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, các chính sách của cơ quan chức năng cần có sự đồng hành của người dân để đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông đang lưu hành.

PGS.TS Hoàng Anh Lê cho rằng, các chính sách được ban hành thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giảm ô nhiễm không khí, và người dân chính là những người hưởng lợi lớn nhất. Khi bộ quy chuẩn khí thải được ban hành, mỗi người nên đối chiếu với phương tiện của mình để đảm bảo tuân thủ. Với những xe quá cũ, chất lượng không còn đảm bảo, cần chấp nhận loại bỏ. Hiện đã có chính sách hỗ trợ đổi xe máy cũ sang xe mới, người dân có thể lựa chọn phương tiện phù hợp tùy theo hoàn cảnh.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội cho rằng, cần một quyết tâm chính trị rất lớn và sự phối hợp đa ngành, đa vùng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 đã nêu cụ thể một số nhiệm vụ cần triển khai về xác định vùng phát thải thấp. Tại Quy hoạch Thủ đô, vấn đề môi trường được đặt lên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong số các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết của Thủ đô trong giai đoạn 2025 - 2030. Thực hiện chủ trương đó, thành phố Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường như: Xử lý ô nhiễm không khí; xử lý nước thải, làm sạch các dòng sông; hiện đại hóa công tác thu gom rác thải, thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 5 quận nội thành…

Thời gian tới, sức ép đối với môi trường Hà Nội là rất lớn, do dân số tăng và phát triển kinh tế xã hội làm tăng lượng thải, làm tăng nguy cơ suy thoái đô thị. Do đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần đưa chỉ tiêu chất lượng không khí, bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của Thành phố, chuyển đổi sang giao thông xanh, áp dụng triệt để cơ chế "ai gây ô nhiễm người đó trả tiền", hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường, tăng cường biện pháp cưỡng chế đối với các cơ sở gây ô nhiễm như thí điểm bổ sung hình phạt các cơ sở gây ô nhiễm tăng lũy tiến theo ngày để tăng tính răn đe, cùng với đó là nâng cao nhận thức của xã hội…

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-thai-xe-may-la-sat-thu-vo-hinh-de-doa-suc-khoe-va-moi-truong-do-thi-169250715214118037.htm
Zalo