Khi người trẻ tự 'bán mình' trên mạng

Trong thời đại số, việc con người tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng đã trở nên quen thuộc và dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Thế nhưng, tham gia như thế nào để an toàn và thông minh thì không phải ai cũng nắm rõ. Thực tế cho thấy, sự chủ quan và bất cẩn của nhiều người, nhất là người trẻ đã và đang khiến tình trạng lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến.

Lộ, lọt dữ liệu cá nhân từ những bài đăng vô hại

Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Từ đó đến nay, cùng với sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh, xu hướng con người tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Nơi đây không chỉ mở ra nguồn thông tin vô tận, mà còn là nhịp cầu kết nối xã hội con người bằng một công cụ đặc biệt có tên mạng xã hội.

Ở thế kỷ 21, hầu như ai cũng sở hữu cho mình ít nhất một tài khoản mạng xã hội, thậm chí nhiều người còn duy trì cùng lúc hàng loạt tài khoản trên các nền tảng khác nhau. Không đơn thuần là nơi kết nối, giao lưu hay cập nhật tin tức, mạng xã hội từ lâu đã trở thành không gian chia sẻ những khía cạnh của cuộc sống, từ sở thích, thói quen sinh hoạt đến hình ảnh và các mối quan hệ xã hội. Với nhiều người, đặc biệt là người trẻ, mạng xã hội là “thế giới riêng”, nơi họ cảm thấy tự do, thoải mái thể hiện chính mình. Do đó, gần như mọi khoảnh khắc trong không gian thực đều được người trẻ cẩn thận ghi lại và chia sẻ lên không gian ảo như một thói quen.

Tuy nhiên, chính sự cởi mở của người trẻ trên mạng xã hội lại tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Từ những bài đăng tưởng chừng vô hại như một bức ảnh check-in, một dòng trạng thái chia sẻ cảm xúc hay thông tin về ngày sinh nhật, số điện thoại, địa chỉ cũng có thể khiến người trẻ vô tình để lộ những dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Không biết từ bao giờ, mạng xã hội dần trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm mạng âm thầm thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân nhằm phục vụ cho các mục đích xấu.

Đơn cử, chỉ với những hình ảnh, video được người trẻ chia sẻ công khai trên mạng xã hội, tội phạm mạng có thể sử dụng công nghệ Deepfake tạo ra khuôn mặt, giọng nói giả mạo nhằm thực hiện cuộc gọi lừa đảo. Mức độ giả mạo sẽ càng chân thực, hoàn thiện hơn khi các đối tượng thu thập được càng nhiều dữ liệu về hình dạng, chất giọng của người dùng và đưa cho AI hoàn chỉnh dần.

Một trong những kịch bản lừa đảo quen thuộc, tội phạm mạng giả mạo khuôn mặt, giọng nói người thân quen gọi điện trong tình huống khẩn cấp để tạo tâm lý hoang mang và thúc ép người nghe chuyển tiền ngay lập tức. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp nạn nhân nhận được cuộc gọi thông báo người thân quen gặp tai nạn, cần tiền gấp đóng cho bệnh viện. Vì thấy rõ khuôn mặt, nghe đúng giọng nói, nhiều người không mảy may nghi ngờ mà chuyển tiền, dẫn đến việc bị lừa đảo mất một khoản tiền lớn. Không chỉ dừng lại ở việc giả mạo để lừa tiền, tội phạm mạng còn lợi dụng hình ảnh, video công khai để chỉnh sửa, cắt ghép, đe dọa tống tiền bằng các video giả mạo.

Đối với người trẻ, ngoài thói quen chia sẻ cuộc sống cá nhân lên mạng xã hội, họ còn tích cực tham gia các hoạt động giao dịch, mua bán trên không gian mạng. Khi kết nối vào các trang web, ứng dụng mua bán trực tuyến, người trẻ thường cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng. Tương tự, khi tham gia các trò chơi, điều tra trực tuyến…, người trẻ cũng thản nhiên cung cấp thông tin cá nhân, để có thể nhận được phần thưởng, dịch vụ hoặc chơi trò chơi miễn phí.

Như vậy, mỗi người trẻ truy cập hàng chục trang web thương mại điện tử, cung cấp thông tin cho hàng trăm ứng dụng, nền tảng, cửa hàng, khách sạn, siêu thị trong các hoạt động thường ngày. Điều này khiến cho thông tin, dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ ở hàng trăm hệ thống khác nhau. Trong khi việc bảo đảm an ninh dữ liệu cho các hệ thống này không đồng nhất, có những nguy cơ bị tấn công, rò rỉ dữ liệu từ quy trình vận hành, con người hay lỗ hổng an ninh mạng.

Nhìn chung, các trường hợp, tình huống dẫn đến lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra dưới muôn hình vạn trạng, khó lường và ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, điểm chung đáng báo động là phần lớn các thông tin, dữ liệu bị rò rỉ đều xuất phát từ chính người dùng. Thậm chí, nhiều người trẻ thiếu ý thức trong bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đến mức sẵn sàng cung cấp cho người khác mà không cần kiểm tra lại xem thông tin của mình được dùng để làm gì.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân mà người trẻ không để ý, không hiểu tại sao và cũng không biết làm thế nào để tránh. Phải chăng, chính thói quen tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng một cách chủ quan và bất cẩn đang khiến người trẻ trở thành mục tiêu cho tội phạm mạng? Hay nói cách khác, người trẻ có đang vô tình tự “bán mình” trên không gian mạng?

Thay đổi thói quen để bảo vệ bản thân

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trong năm 2024, tình trạng lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng với 66,24% người dùng xác nhận thông tin, dữ liệu của họ từng bị sử dụng trái phép. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó theo kết quả khảo sát, 73,99% người dùng nhận định bị lộ, lọt do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, 67% cho rằng lộ, lọt trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, siêu thị và 62,13% cho rằng nguyên nhân tới từ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Có thể thấy, người trẻ đã và đang phải đối diện với nhiều rủi ro khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng khi chưa được trang bị các kỹ năng về an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân, cũng như chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo mật các nội dung này. Trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phức tạp, người trẻ phải chủ động trang bị kỹ năng, rèn luyện sự tỉnh táo và biết cách sử dụng các công cụ bảo vệ mình để có thể chuyển từ thế bị động sang chủ động.

Đặc biệt, người trẻ cần ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của mình. Bởi việc lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà cả những người thân quen xung quanh. Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen chủ quan và bất cẩn khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Trong đó, việc làm đơn giản nhất nhưng không kém phần hiệu quả mà mỗi người trẻ đều làm được là hạn chế chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Nếu như trước đây, nhiều người trẻ có thói quen cập nhật trạng thái đang làm gì, ở đâu, với ai… công khai theo thời gian thực trong ngày lên mạng xã hội. Giờ đây, đã đến lúc cần học cách tiết chế và chọn lọc nội dung trước khi đăng tải. Đồng thời, thay vì để chế độ công khai, người trẻ nên ưu tiên chia sẻ ở chế độ bạn bè, hoặc giới hạn nhóm người xem để tránh thông tin cá nhân rơi vào tay tội phạm mạng.

Một thói quen quan trọng khác cũng cần phải điều chỉnh là việc cung cấp thông tin cho một ứng dụng, dịch vụ, giao dịch trực tuyến nào đó. Người trẻ chỉ nên cung cấp các thông tin tối thiểu và phải biết rõ những thông tin, dữ liệu đó sẽ được phục vụ vào mục đích gì. Không nên cung cấp các thông tin quá nhạy cảm, đặc biệt là những thông tin cá nhân kiểu định danh, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ thường trú, OTP… để tránh trường hợp dữ liệu cá nhân có thể bị mua bán, khai thác và trục lợi vào các mục đích xấu. Tốt nhất, người trẻ nên có một email hoặc tài khoản mạng xã hội riêng, ít sử dụng và không ghi thông tin cá nhân để đăng ký các hoạt động trên không gian mạng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các mối đe dọa từ việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp. Rõ ràng, một không gian mạng an toàn không thể tự hình thành, mà phải được xây dựng từ chính sự hiểu biết, ý thức và thói quen sử dụng của mỗi cá nhân. Trong đó, người trẻ - những công dân số năng động nhất cần là những người tiên phong trong việc thiết lập “vùng an toàn” trên không gian mạng cho chính mình.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khi-nguoi-tre-tu-ban-minh-tren-mang.html
Zalo