Khi hóa chất bủa vây
Đề nghị cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, sử dụng hóa chất độc hại và nguy hiểm để ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường sống, cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Tuy có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong phát triển các ngành sản xuất, song hóa chất cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi bị lạm dụng, hoặc xả ra môi trường ở mức khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu trong nông nghiệp có liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Ở Việt Nam, nơi thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến trong việc trồng rau và trái cây, khi ăn thực phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, cơ thể con người có thể bị ngộ độc với các biểu hiện như: kích ứng da, tổn thương mắt và hệ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí là ngộ độc toàn thân. Sử dụng những thực phẩm có dư lượng hóa chất độc hại lớn và trong thời gian dài, dẫn tới khả năng hệ miễn dịch kém, nguy cơ ung thư hiện hữu…
Cùng với đó, các chất phụ gia, thuốc nhuộm thực phẩm được bổ sung thêm vào quá trình chế biến thức ăn hay cải thiện hương vị, bề ngoài… cũng gây tác dụng phụ không nhỏ đối với sức khỏe con người, nguy cơ ung thư tiềm ẩn. Ngoài ra còn vô số những nguy cơ từ hóa chất mua - bán dễ dàng; nước thải sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý vẫn ngày ngày được xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Xung quanh con người bây giờ ở đâu cũng có hóa chất, sản phẩm hóa chất hội tụ, phục vụ và bủa vây…
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng lâu nay việc quản lý hóa chất quá lỏng lẻo, không ở đâu mua - bán, vận chuyển hóa chất dễ như ở nước ta. Kèm đó là những minh chứng cụ thể về những vụ việc đau lòng dùng chất xyanua, dùng axit để sát hại người thân.
Lỗ hổng trong quản lý hóa chất hiện nay cũng được chỉ ra, đơn cử như Luật Hóa chất năm 2007 và Nghị định số 113/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất mặc dù đã có những quy định về việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua và sử dụng loại hóa chất nguy hiểm này.
Đáng lưu tâm, việc chồng chéo trong quản lý hóa chất hiện nay khiến cho ẩn họa từ hóa chất là không hề nhỏ. Theo Luật Hóa chất năm 2007 và Dự thảo Luật sửa đổi, trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất được giao cho các Bộ quản lý tùy mục đích sử dụng hóa chất.
Đơn cử như Bộ Y tế quản lý hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người, hay như hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng y tế. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hóa chất trong trồng trọt chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật... Do tính đa dụng của một loại hóa chất cụ thể được sử dụng cho nhiều ngành khác nhau, do mục đích sử dụng khác nhau nên quy định của các Bộ cũng khác nhau, thiếu đồng bộ. Từ đó, doanh nghiệp lách luật đăng ký sử dụng để đưa hóa chất nguy hiểm ra thị trường, gây nhiều nguy cơ về sức khỏe.
Theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi mới chỉ quy định nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà chưa quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng. Do đó, việc sửa đổi Luật Hóa chất cần hướng tới sự phát triển bền vững, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của con người là trên hết.