Khi gia đình tan nát vì những 'ván bài' không lối thoát

Những 'ván bài vui vẻ' đang phá nát nhiều gia đình mà người trong cuộc không kịp nhận ra. Một người sa ngã, cả nhà khốn đốn. Câu chuyện của anh Sơn – ly hôn, ôm con đi trốn nợ thay vợ là hồi chuông cảnh tỉnh về sự tàn phá âm thầm của cờ bạc thời công nghệ.

Cờ bạc là nguyên nhân gây tan vỡ của không ít gia đình hiện nay

Cờ bạc là nguyên nhân gây tan vỡ của không ít gia đình hiện nay

Khi người bạn đời trở thành… con bạc

Trong một chuyến du lịch cuối tuần tại Đà Lạt, anh Sơn, 35 tuổi, kỹ thuật viên của một công ty truyền thông, xuất hiện cùng hai đứa con nhỏ khoảng 3 và 5 tuổi. Cảnh người đàn ông tay bồng tay bế, loay hoay chăm hai con giữa phố núi mù sương khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: “Ủa, mẹ đâu mà để bố gà trống trông con vậy?”.

Câu trả lời khiến mọi người chưng hửng: “Tụi em ly hôn rồi. Mẹ tụi nhỏ giờ không còn là người vợ, người mẹ như trước nữa…”

Người phụ nữ từng hiền lành, yêu thương gia đình đã thay đổi sau khi sa vào cờ bạc. Từ những ván bài nhỏ vài trăm nghìn, chị dần bị cuốn vào vòng xoáy của những trận đỏ đen hàng chục triệu mỗi ngày. Khi đã trắng tay, chị vay mượn khắp nơi, lừa cả bạn bè và người thân. Đến khi bỏ đi, chị để lại cho anh Sơn hai đứa con nhỏ, một căn nhà đã bán và khoản nợ lớn không biết khi nào trả hết.

"Tôi phải chủ động liên lạc với bạn bè, họ hàng quen biết vợ cũ để cảnh báo: đừng ai cho vay nữa. Vì nếu có tiền, chị lại nướng vào bài bạc hết," anh Sơn kể, mắt đỏ hoe.

Câu chuyện của anh Sơn không phải cá biệt. Ngày nay, cờ bạc – dù là truyền thống hay số hóa như lô đề online, cá độ bóng đá, đánh bài qua app – đang len lỏi vào từng góc nhà, phá vỡ những gia đình tưởng yên ấm. Chỉ cần một người sa vào trò đỏ đen, cả mái ấm có thể sụp đổ: tài sản đội nón ra đi, con cái thiếu thốn tình thương, nợ nần đè nặng từng ngày.

Cờ bạc công nghệ – cái bẫy thời đại số

Điều nguy hiểm là người chơi thường không nhận ra mình đang nghiện. Họ tự an ủi bằng những lời quen thuộc: “chơi cho vui”, “hên xui”, “hôm nay thua, mai gỡ”. Nhưng rồi càng chơi, càng lún sâu. Cảm xúc với người thân nhạt dần, tâm trí chỉ xoay quanh một nỗi ám ảnh: “phải gỡ lại”.

Một con bạc công nghệ không cần ngồi sòng hay cầm bài – chỉ cần một chiếc điện thoại, họ có thể "nướng" vài triệu mỗi ngày. Từ học sinh, công nhân, bà mẹ bỉm sữa đến người nghỉ hưu – không phân biệt tầng lớp, tuổi tác – đều có thể trở thành "con mồi" của cờ bạc online.

Nhiều cặp vợ chồng rủ nhau chơi như một hình thức giải trí cuối tuần. Nhưng cờ bạc không bao giờ vô hại. Nó tạo ra ảo giác kiếm tiền dễ dàng, khiến người ta lười lao động, vô trách nhiệm với con cái, gia đình. Trẻ em lớn lên trong những mái nhà đầy tiếng cãi vã, đòi nợ, và sự im lặng tổn thương.

Một cán bộ tư pháp ở Hà Nội chia sẻ: “Có những vụ ly hôn mà nguyên nhân chỉ xoay quanh một từ duy nhất – cờ bạc. Có ông chồng bán cả xe máy của vợ để chơi bài. Có bà vợ vay nặng lãi chơi lô đề, con bị đuổi học vì không đóng học phí…”.

PGS, TS Trịnh Hòa Bình nhận định: “Không thể chỉ khuyên người chơi biết điểm dừng. Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, tổ chức đoàn thể và truyền thông. Các ứng dụng cờ bạc trá hình phải được kiểm soát chặt chẽ, xử lý hình sự người phát tán, tổ chức”.

Quan trọng nhất, mỗi gia đình cần xây dựng nền tảng đạo đức và tình thương vững chắc. Cha mẹ phải là tấm gương, vợ chồng phải chia sẻ và giám sát tài chính – đó là hàng rào đầu tiên ngăn cờ bạc xâm nhập.

“Giờ tôi chỉ mong nuôi con trưởng thành mà không bị vết thương từ mẹ chúng ảnh hưởng quá nhiều”, anh Sơn nói khi bế con. Đứa bé ngơ ngác nhìn quanh, như chờ một người mà chẳng biết có bao giờ trở về…

ĐÀO ANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/khi-gia-dinh-tan-nat-vi-nhung-van-bai-khong-loi-thoat-156433.html
Zalo