Khi cờ búa liềm tung bay cùng công tác đối ngoại
Thời gian qua, đối ngoại Đảng tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, sáng tạo, đóng góp ngày càng tích cực, phát huy hiệu quả thế mạnh, bản sắc riêng vào thành công chung của mặt trận đối ngoại.
Theo đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, công tác đối ngoại Đảng trong năm 2022 được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt, hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể, nhiều cấp, nhiều hình thức khác nhau.
Một năm sôi động, khí thế
Trong năm 2022, lá cờ búa liềm vàng, lá cờ của Đảng, xuất hiện trong rất nhiều hoạt động đối ngoại, chứng kiến sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của Đảng là đồng chí Tổng Bí thư và các lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội) cho đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các ban Đảng và các tỉnh/thành ủy, đặc biệt cấp ủy, huyện xã dọc biên giới.
Có thể cảm nhận rõ không khí đối ngoại sôi động ở tất cả các cấp của Đảng. Ở cấp cao có các chuyến thăm, gặp gỡ tại các sự kiện quốc tế, các hình thức điện đàm, hội đàm, gặp gỡ, hội nghị đa phương trực tiếp hoặc trực tuyến cấp cao. Ở các cấp, các ngành có thăm, gặp gỡ, đối thoại, trao đổi trực tuyến và trực tiếp trên kênh song phương và đa phương, đào tạo cán bộ, ký kết các thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương; các cơ chế hợp tác đặc thù như hội thảo lý luận, đối thoại chính sách, tham vấn chính trị, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn được phát huy mạnh mẽ.
Đặc biệt, trong đối ngoại cấp cao trên kênh Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc, tiến hành 37 cuộc hội đàm, điện đàm, tiếp xúc quốc tế; đồng chí Thường trực Ban Bí thư thực hiện 24 hoạt động đối ngoại; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có gần 20 chuyến thăm theo tính chất đối ngoại Đảng.
Cùng với đó, công tác đối ngoại Đảng của các địa phương ngày càng thực chất, có bước phát triển mới, hiệu quả, nổi bật, là sự tham gia tích cực, chủ động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, chủ động và tham gia tích cực các hoạt động đối ngoại của địa phương dưới nhiều hình thức.
Đáng chú ý, các thỏa thuận, chương trình hợp tác đã ký kết với các đảng bộ trực thuộc các đảng đối tác cũng được chú trọng triển khai hiệu quả, tiêu biểu là hợp tác quốc tế của cấp ủy các địa phương biên giới.
Thông qua việc triển khai công tác đối ngoại Đảng, quan hệ với các chính đảng, các đối tác tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đi vào chiều sâu.
Quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới (Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Lao động Triều Tiên) có bước tiến quan trọng, tiếp tục định hướng chiến lược tổng thể và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiều sâu quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính và các đảng có vai trò quan trọng tại các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước trong khu vực; các đảng cộng sản, công nhân và bạn bè truyền thống được duy trì và thúc đẩy, có bước đột phá mới, tăng cường nền tảng chính trị cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước phát triển ổn định và bền vững.
Trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ có trọng tâm, trọng điểm, công tác đối ngoại Đảng năm qua đã ghi dấu ấn đột phá có ý nghĩa tích cực, đặc biệt đối với các đảng cầm quyền, đảng tham chính và đảng có quan hệ hữu nghị truyền thống tại Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác ở châu Á, châu Âu, Trung Đông - châu Phi, Mỹ Latinh.
Trên mặt trận đa phương, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động và tích cực, phát huy vai trò, trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương chính đảng, nhất là tại Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP); các diễn đàn khác như Hội thảo “Các đảng và một xã hội mới”, Hội nghị liên đảng quốc tế “An ninh sinh thái và phát triển bền vững”; tiếp tục tăng cường trao đổi lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn với các chính đảng qua nhiều hình thức khác nhau.
Có thể thấy rõ qua các hoạt động đối ngoại Đảng, vị thế, vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nâng cao, tạo thêm nguồn động viên, cổ vũ quan trọng cho phong trào cộng sản, công nhân thế giới.
Năm bản lề quan trọng
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, dự báo tình hình quốc tế những năm tới là: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước không ít trở ngại, khó khăn”; thế giới sẽ có những biến động về địa chính trị, địa kinh tế và nguy cơ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng, lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhận định năm 2023 là năm bản lề, hết sức quan trọng để thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII đề ra đến năm 2025, tạo đà thuận lợi thực hiện các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, năm 2023 cũng là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng.
Trong bối cảnh khó khăn và thách thức đan xen, trước các nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của đất nước, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Ban Đối ngoại Trung ương, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chỉ ra rằng công tác đối ngoại cần triển khai theo một số định hướng lớn.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các Nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên quan tới công tác đối ngoại, cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế.
Thứ hai, chú trọng công tác tham mưu chiến lược, thúc đẩy quan hệ với các nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững lâu dài.
Cụ thể, cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sát tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; chủ động, kịp thời tham mưu các giải pháp thích hợp, xử lý tốt các thách thức đối ngoại. Đồng thời, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những thuận lợi, thách thức, vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại; “luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”; độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12/2021) về “trường phái đối ngoại độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, yếu tố quyết định nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và triển khai các nhiệm vụ đối ngoại có sự phân công, phân nhiệm phù hợp, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm tính tổng thể chiến lược và gắn kết giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; có tư duy đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động đối ngoại thích ứng với môi trường quốc tế nhiều biến động; không ngừng nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.
Thứ ba, mở rộng, tăng cường quan hệ đối ngoại Đảng có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy mạnh mẽ vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân, củng cố nền tảng hữu nghị với nhân dân các nước.
Thứ tư, tiếp tục góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín quốc tế, vị thế của Đảng và đất nước, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với công tác đối ngoại Đảng, hình ảnh lá cờ búa liềm vàng tung bay phấp phới trong các hoạt động đối ngoại đã góp phần đưa bản sắc “cây tre Việt Nam” vươn ra thế giới, góp phần triển khai toàn diện việc thực hiện đường lối Đại hội XIII, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.