Khát vọng vùng Tam Cửu

'Tam Cửu' - cách gọi thân thuộc của người dân dành cho 3 xã Khả Cửu, Thượng Cửu và Đông Cửu (thuộc huyện Thanh Sơn cũ) nay đã hợp nhất thành địa danh hành chính mới mang tên Khả Cửu. Việc sáp nhập không chỉ là thay đổi tên gọi hay địa giới mà còn thể hiện sự liền mạch tự nhiên giữa ba vùng đất liền kề, có nhiều tương đồng về điều kiện sống, văn hóa và cả khát vọng vươn lên. Giữa núi rừng còn nhiều vất vả, cuộc sống nơi đây đang khẽ chuyển mình.

Điểm du lịch cộng đồng ven suối Dân tại xã Khả Cửu đang được đầu tư xây dựng.

Điểm du lịch cộng đồng ven suối Dân tại xã Khả Cửu đang được đầu tư xây dựng.

Gian khó chưa xa nhưng đường đã mở

Từ ngã ba Tân Minh, chúng tôi bắt đầu hành trình vượt gần chục cây số đường gập ghềnh để đến trung tâm xã Khả Cửu. Con đường trục chính độc đạo vào vùng “Tam Cửu” mặt nhựa đã bong tróc, lộ ra những mảng đá lởm chởm, ổ voi, ổ gà nối tiếp nhau khiến chiếc xe máy phải ì ạch về số thấp, gằn lên từng tiếng. Trước khi chúng tôi đến, trời đã mưa nhiều hôm khiến một số đoạn đường trơn trượt, bùn nhão sánh lên tận vành bánh. Có đoạn sống trâu chạy dài, bánh xe trượt ngang, người ngồi sau phải nghiêng mình giữ thăng bằng. Quãng đường không dài nhưng cũng đủ để cảm nhận rõ hơn về gian khó của vùng đất này.

Cọn nước trên suối Dân không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng.

Cọn nước trên suối Dân không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng.

Toàn xã có diện tích trên 14.800ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 90%. Bà con Khả Cửu chủ yếu sống nhờ kinh tế đồi rừng, trồng cây nguyên liệu, đó là kế sinh nhai chính của biết bao thế hệ. Dân số của xã hơn 13.100 người, gần 2.800 hộ và có tới trên 90% là dân tộc Mường. Cuộc sống nơi đây chưa hết khó khăn khi số hộ nghèo, cận nghèo cộng lại vẫn chiếm hơn một phần ba. Cái khó, cái nghèo vẫn còn do đất ruộng thì ít, đất rừng sản xuất không lớn mà một chu kỳ khai thác rừng nhanh cũng phải 7 năm.

Nhưng cái khó còn nằm ở chỗ nhiều hộ chưa quen với cách làm mới, chưa ứng dụng kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, canh tác hiệu quả. Tính ra, bình quân mỗi héc-ta đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản cho thu chưa đến 100 triệu đồng/năm - thấp hơn bình quân chung của tỉnh. Chưa kể, sản phẩm làm ra chưa thực sự phong phú và tư duy chuyển đổi cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm, chưa bắt kịp với sự phát triển chung.

Bộ chiêng của đồng bào Mường Khả Cửu được lưu giữ, trưng bày trong nhà sàn truyền thống tại khuôn viên UBND xã Khả Cửu.

Bộ chiêng của đồng bào Mường Khả Cửu được lưu giữ, trưng bày trong nhà sàn truyền thống tại khuôn viên UBND xã Khả Cửu.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND xã trùng giọng khi nhắc đến con đường độc đạo từ Văn Miếu đến cuối đất Khả Cửu dài khoảng 15 cây số quá xấu. Đường nhỏ, nhiều ổ gà, mưa xuống thì lầy, nắng lên thì bụi. Chẳng cần hỏi nhiều, chỉ cần nhìn chiếc xe bám đầy bùn đất là người ta đoán được người từ vùng Tam Cửu ra.

Con đường ấy không chỉ là lối đi mà là nhịp nối Khả Cửu với bên ngoài. Vậy mà nó vẫn chòng chành, khiến mọi thứ từ giao thương đến tiếp cận dịch vụ cứ chậm.

Nhưng rồi ánh mắt đồng chí Phó Chủ tịch xã cũng ánh lên niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi về những thay đổi tích cực. Giờ các khu đều có điện, có sóng điện thoại, ngay cả bản xa, đặc biệt khó khăn như Sinh Tàn cũng có sóng di động từ năm 2022. Đường liên thôn, liên bản được bê tông hóa khoảng 70%.

Giữa bộn bề khó khăn ấy cũng đã bắt đầu có những người trẻ, những hộ tính chuyện làm ăn khác, nghĩ đến trồng dược liệu, làm du lịch trải nghiệm, hay nuôi ong lấy mật, chế biến gỗ, lác đác thôi nhưng là tín hiệu của đổi thay, của tư duy mới đang hình thành. Những cái tên như HTX Dịch vụ thương mại Bình An với sản phẩm vịt suối, hay HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Tam Cửu với sản phẩm bưởi và mật ong đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.

Điều đặc biệt ở Khả Cửu còn là cách người dân giữ gìn bản sắc và đang biến chính điều đó thành lợi thế. Không chỉ lưu giữ trong ký ức hay trong nếp sinh hoạt thường ngày, người Khả Cửu hôm nay đã bắt đầu biết làm mới, họ “kể lại” những giá trị văn hóa của mình theo cách khác - gắn với du lịch, với sản phẩm đặc trưng, với câu chuyện bản địa mang sắc màu riêng. Khả Cửu đã đón những đoàn khách du lịch, tuy chưa nhiều nhưng đủ để gợi mở hướng đi mới cho phát triển kinh tế.

Xưởng chế biến gỗ của anh Hà Văn Nam (khu Tầm) doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại Khả Cửu.

Xưởng chế biến gỗ của anh Hà Văn Nam (khu Tầm) doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại Khả Cửu.

Kỳ vọng cho hướng phát triển mới

Giữa cuộc sống đang dần thay đổi, bản sắc văn hóa vẫn được gìn giữ như một phần máu thịt của người Khả Cửu. Tiếng chiêng Mường, điệu hát Ví, hát Rang vẫn vang lên vào mỗi dịp lễ hội, phụ nữ mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới hỏi, lễ trọng; ngôn ngữ đồng bào vẫn được duy trì và truyền lại từ đời trước sang đời sau, được giao tiếp như một ngôn ngữ chính trong đời sống hàng ngày.

Xã đang triển khai Dự án hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Khả Cửu, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế của người dân.

Anh Phùng Đình Kiên - cán bộ văn hóa xã và anh Hà Văn Hải - Trưởng khu Hắm dẫn chúng tôi men theo con đường đất nhỏ giữa khu Hắm đến ven suối Dân. Chỉ tay về phía bên kia suối, nơi máy móc đang thi công, anh Kiên nói đầy tự hào: “Dự án du lịch cộng đồng triển khai tại đây bà con kỳ vọng nhiều lắm. Mình giữ được bản sắc mà vẫn phát triển được kinh tế, đó là điều quý nhất.

Trong định hướng làm du lịch, xã chú trọng giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng của người Mường và các dân tộc thiểu số như ngôn ngữ, trang phục, diễn xướng dân gian, dụng cụ sinh hoạt gắn liền với đời sống hàng ngày. Ngay trên suối Dân này, những chiếc cọn nước vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ trở thành điểm nhấn trong du lịch cộng đồng, vì nó không chỉ là sinh hoạt thường ngày mà còn là hồn cốt của bản làng”.

Anh Kiên vừa dứt lời, anh Hải tiếp lời như tiếp nối dòng suy nghĩ: “Khó thì còn nhiều lắm nhưng giờ khác rồi, mình cũng phải tính làm ăn chứ không thể mãi quanh quẩn với cái nghèo. Khi hoàn thành, có khách du lịch, bà con có thêm việc, thêm thu nhập, mình giữ được cái nếp của cha ông để lại, lại có cái mới để con cháu sau này phát triển. Thế là mừng rồi”.

Đường trục chính từ Văn Miếu đi Khả Cửu xuống cấp nghiêm trọng.

Đường trục chính từ Văn Miếu đi Khả Cửu xuống cấp nghiêm trọng.

Ở Khả Cửu, hướng phát triển kinh tế đang dần đổi khác. Xã xác định xây dựng nền nông nghiệp đa dạng, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp, dựa trên khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế bản địa. Cùng với đó là phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, từng bước hình thành những sản phẩm chủ lực, từ cây quế, cây keo, cây dược liệu đến nuôi ong, trồng bưởi, mở rộng chăn nuôi theo hướng bền vững, bài bản...

Sự hợp nhất hành chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, đầu tư hạ tầng mà còn mở ra những kỳ vọng mới về kết nối vùng, mở rộng không gian sản xuất, đa dạng sinh kế. Khả Cửu - vùng đất được hợp nhất từ Tam Cửu xưa vẫn còn nhiều gian nan nhưng những bước đi đầu tiên trên hành trình mới đã bắt đầu được khẳng định bằng sự đồng lòng, bằng niềm tin vào đổi thay.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khat-vong-vung-tam-cuu-236420.htm
Zalo