Khát vọng văn hóa lan tỏa mạnh mẽ từ giảng đường
Ngay sau khi kết thúc mùa thi tuyển sinh năng khiếu năm 2025, nhiều cơ sở đào tạo thuộc khối Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội và TP.HCM đã ghi nhận lượng thí sinh dự thi tăng vọt, thậm chí chạm mốc cao nhất từ trước đến nay.

Thí sinh thi năng khiếu môn Bóng đá vào Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM
Đằng sau những con số ấy là bức tranh sinh động về sự thức tỉnh của giới trẻ trước giá trị văn hóa dân tộc, là khát vọng được sáng tạo, cống hiến và sống trọn với đam mê nghệ thuật, thể thao, quản lý văn hóa trong thời đại mới.
Sự chuyển mình này cũng phản ánh rõ nét nỗ lực bài bản của các trường trong công tác tuyển sinh, kiểm định chất lượng và mở ra hành trình nghề nghiệp đa dạng, giàu bản sắc cho thế hệ tương lai - những người sẽ tiếp tục thắp lên ngọn lửa văn hóa ở từng vùng miền trên cả nước.
Lượng thí sinh bùng nổ
Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm nay thu hút gần 2.500 thí sinh dự thi năng khiếu, tăng đáng kể so với năm 2024 và cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường ở bậc đại học hệ chính quy và vừa làm vừa học là 305, cùng 20 chỉ tiêu liên thông ngành Thiết kế đồ họa từ Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, cho thấy tỷ lệ “chọi” rất cao.
Để đảm bảo chất lượng và cơ sở vật chất, kỳ thi được chia làm hai đợt: Đợt 1 (8-9.7) dành cho ngành Thiết kế đồ họa, thu hút gần 1.600 thí sinh thi các môn Hình họa và Trang trí; Đợt 2 (11-13.7) cho các ngành Hội họa, Đồ họa, Lý luận - Lịch sử & Phê bình mỹ thuật, Điêu khắc… với gần 900 thí sinh, thi các nội dung đặc thù như Hình họa, Tượng tròn chân dung, Bố cục tranh màu, Bố cục chạm nổi.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thi năng khiếu đòi hỏi không gian chuyên biệt, mỗi phòng tối đa 25 thí sinh, đầy đủ giá vẽ, bục mẫu… Việc tách đợt giúp quản lý chất lượng và tạo điều kiện cho thí sinh phát huy sáng tạo.
Nhà trường cũng cân nhắc tổ chức kỳ thi riêng cho ngành Sư phạm Mỹ thuật tùy theo chỉ tiêu Bộ GD&ĐT phân bổ, thể hiện định hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên địa phương.
Ở khối thể thao, Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM ghi nhận lượng thí sinh kỷ lục: Hơn 3.400 thí sinh dự thi năng khiếu, gấp đôi năm 2024 (1.700) và gấp ba năm 2023 (1.130). Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, củng cố uy tín của trường sau nhiều nỗ lực đổi mới đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trẻ hóa đội ngũ.
Năm nay, trường tuyển 660 chỉ tiêu đại học chính quy và 400 chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học cho bốn ngành: Huấn luyện thể thao, Giáo dục thể chất, Quản lý thể dục thể thao, Y sinh học thể dục thể thao.
Sau kỳ thi chính quy, trường tiếp tục tuyển sinh khóa 83 hệ vừa làm vừa học (nộp hồ sơ đến 14.8, thi 22.8); chương trình và bằng cấp tương đương hệ chính quy, mở đường cho người học linh hoạt giữa công việc và đào tạo chuyên sâu.

Thí sinh dự thi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Mùa tuyển sinh năm học 2025-2026 của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ghi nhận sự gia tăng về số lượng và chất lượng thí sinh dự thi vào các hệ đào tạo tài năng.
Cụ thể, hệ Trung cấp có 424 thí sinh đăng ký dự thi, tăng so với năm trước; hệ Đại học có 172 thí sinh. Đáng chú ý, kết quả thi của hệ Đại học đã được công bố với điểm số ở mức tốt hơn, cho thấy chất lượng thí sinh ngày càng được nâng cao.
Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam TS.NSND Đỗ Quốc Hưng cho biết: “Việc số lượng thí sinh đăng ký nhiều hơn và điểm thi tốt hơn đã khẳng định uy tín của nhà trường, đúng với định hướng của Bộ VHTTDL trong việc xây dựng môi trường học tập chất lượng cao, gắn với chuẩn quốc tế.
Đồng thời, điều này cũng chứng tỏ nhu cầu nguồn nhân lực nghệ thuật ngày càng lớn, phản ánh sức hút của ngành văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh đất nước hội nhập. Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam có đội ngũ nghệ sĩ, chuyên gia âm nhạc trình độ cao, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, sự gia tăng này đã góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Bộ VHTTDL đặt mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Học viện Múa Việt Nam năm nay ghi nhận gần 200 thí sinh đăng ký dự thi. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn giữ ở mức như mọi năm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo: Hệ Trung cấp tuyển 45 học sinh, hệ Đại học ngành Huấn luyện múa tuyển 20 sinh viên.
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam thông tin: Học viện sẽ triển khai tuyển sinh lớp tài năng theo Đề án 1341 với 20 chỉ tiêu, gồm 10 cho nghệ thuật biểu diễn kịch múa và 10 cho nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật chất lượng cao.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức thi năng khiếu cho chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật (ngành Quản lý văn hóa), thu hút hơn 250 thí sinh, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thí sinh thi hai phần: Năng khiếu biểu diễn (ca hát, nhạc cụ, múa, nhảy, diễn kịch, thuyết trình…) và Năng lực hiểu biết nghệ thuật qua hình thức bốc thăm, trả lời trực tiếp, nhằm đánh giá khả năng nhận định, xử lý tình huống.
TS.NSƯT Huỳnh Công Duẩn, đại diện Ban chấm thi cho biết: “Số lượng thí sinh dự thi tăng mạnh, trong đó nhiều em được tuyển thẳng nhờ thành tích nghệ thuật. Nhu cầu xã hội về tổ chức sự kiện và sản phẩm văn hóa ngày càng cao, kéo theo triển vọng việc làm đa dạng. Có trường hợp thí sinh đã đi làm dự án, có thu nhập, nay quay lại hoàn thiện bằng cấp. Đây là dấu hiệu tích cực cho đào tạo gắn với thực tiễn”.
Bên cạnh chuyên ngành năng khiếu nói trên, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM còn tuyển 1.000 chỉ tiêu cho 8 ngành, 14 chuyên ngành. Đáng chú ý, lần đầu trường mở ngành Di sản học bậc đại học, trở thành đơn vị tiên phong trong cả nước đào tạo ngành này ở trình độ đại học.
Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM tổ chức thi năng khiếu từ ngày 8-15.7. Năm nay, Trường tiếp nhận 622 hồ sơ (tăng 20,8% so với 2024). Ngành Diễn viên kịch, điện ảnh, truyền hình có 469 hồ sơ, chỉ tiêu 55; ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình 153 hồ sơ, chỉ tiêu 40. Nhạc viện TP.HCM tổ chức thi năng khiếu từ 10-18.7, tuyển 410 chỉ tiêu gồm 300 trung cấp, 100 đại học chính quy và 10 văn bằng 2.
Dễ nhận thấy, sự bùng nổ số lượng thí sinh dự thi vào các trường năng khiếu khối Văn hóa - Thể thao - Nghệ thuật là dấu hiệu tích cực về mặt tuyển sinh, đồng thời phản ánh những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức xã hội về giá trị của văn hóa bản địa.
Những lựa chọn, dù khác biệt về hình thức, đều gặp nhau ở một điểm chung: Khát vọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật, thể thao, biểu diễn và quản lý văn hóa. Khi thế hệ trẻ biết quay về với cội nguồn và làm mới nó bằng tinh thần sáng tạo đương đại, đó chính là lúc văn hóa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có chiều sâu và mang tính hội nhập nhưng không mất đi bản sắc vốn có.
Sự bùng nổ số lượng thí sinh dự thi vào các trường năng khiếu khối Văn hóa - Thể thao - Nghệ thuật là dấu hiệu tích cực về mặt tuyển sinh, đồng thời phản ánh những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức xã hội về giá trị của văn hóa bản địa.
Những lựa chọn, dù khác biệt về hình thức, đều gặp nhau ở một điểm chung: Khát vọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật, thể thao, biểu diễn và quản lý văn hóa. Khi thế hệ trẻ biết quay về với cội nguồn và làm mới nó bằng tinh thần sáng tạo đương đại, đó chính là lúc văn hóa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có chiều sâu và mang tính hội nhập nhưng không mất đi bản sắc vốn có.