Khánh Hòa vươn ra biển lớn với du lịch đẳng cấp quốc tế
Khánh Hòa đang hướng tới việc phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế, giữ vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là một trong những mục tiêu để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Vị thế mới, khát vọng mới
Là địa phương hội tụ đủ núi, rừng, biển đảo, đồng bằng và cả quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Khánh Hòa từ lâu đã định vị được tên tuổi trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Bờ biển dài gần 400km, khí hậu ôn hòa quanh năm, hàng trăm đảo lớn nhỏ, hệ thống vịnh đẹp hàng đầu thế giới và di sản văn hóa Chăm đặc sắc, Khánh Hòa mang trong mình những lợi thế thiên phú khó nơi nào sánh kịp.

Tháp Bà Ponagar (phường Bắc Nha Trang, Khánh Hòa) nhìn từ trên cao.
Theo Nghị quyết số 202 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Khánh Hòa mới là địa phương duy nhất có tới 3 sân bay, 4 vịnh biển đẳng cấp quốc tế, 590km bờ biển và hơn 7.600ha san hô - tiềm năng vô giá để phát triển du lịch biển và lặn biển chuyên nghiệp. Kết nối giao thông đa chiều từ đường bộ, đường sắt, hàng không đến cảng biển quốc tế giúp Khánh Hòa trở thành trung tâm logistics, trung chuyển du lịch quốc tế phía Nam.
Đáng chú ý, Khánh Hòa không chỉ mở rộng địa giới hành chính, mà còn mở rộng biên độ phát triển không gian kinh tế theo hướng toàn diện và bền vững. Lấy du lịch làm đầu kéo, Khánh Hòa vươn ra biển lớn với tầm nhìn mới: Hình thành hệ sinh thái du lịch, dịch vụ biển đảo, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và văn hóa đặc thù dọc trục ven biển khu vực Nam Trung bộ.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) Khánh Hòa cho biết: Giai đoạn 2022-2024, tỉnh đón gần 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 7,6 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu từ du lịch đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng. Hạ tầng lưu trú tăng tốc với 1.444 cơ sở, hơn 71.000 phòng, trong đó có 106 cơ sở đạt chuẩn 3 - 5 sao. Đáng chú ý, tỉnh có đội ngũ 2.434 hướng dẫn viên với hơn 1.499 thẻ quốc tế thể hiện sự hội nhập ngày càng sâu của ngành du lịch địa phương.

Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024.
Không dừng lại, Khánh Hòa đã phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, từ nghỉ dưỡng biển cao cấp, thể thao giải trí trên biển, đến du lịch văn hóa, tâm linh, chăm sóc sức khỏe bằng bùn khoáng, trekking, dù lượn, du lịch cộng đồng và nông nghiệp. Những mô hình du lịch cộng đồng như: Làng nghề xoi trầm Vạn Thắng, làng du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung (Khánh Sơn), hay điểm du lịch cộng đồng Ninh Vân (Ninh Hòa) đang cho thấy hiệu quả kép - vừa giữ gìn bản sắc, vừa nâng cao sinh kế.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, sự kiện Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024 với 2 kỷ lục Guinness thế giới là minh chứng rõ nét cho khả năng tổ chức các sự kiện tầm cỡ, góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến bạn bè quốc tế.
Hướng đến đô thị du lịch thông minh
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, không chỉ tăng trưởng về lượng, tỉnh còn đang đầu tư mạnh mẽ cho chiều sâu phát triển du lịch thông minh. Theo đó, Trung tâm điều hành và hỗ trợ khách du lịch đi vào vận hành từ năm 2024 là cú hích cho chuyển đổi số trong ngành, kết nối hệ sinh thái du lịch toàn tỉnh. Không những thế, bản đồ số du lịch, tích hợp phản hồi du khách, xử lý tình huống khẩn cấp và giám sát an ninh là nền tảng xây dựng môi trường du lịch an toàn, hiện đại, thân thiện.

Giai đoạn 2022-2024, hạ tầng lưu trú tỉnh Khánh Hòa tăng tốc với 1.444 cơ sở, hơn 71.000 phòng, trong đó có 106 cơ sở đạt chuẩn 3-5 sao. Ảnh: Phùng Quang.
Trong khi đó, chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Khánh Hòa đang phát huy hiệu quả, với hơn 120.000 lao động phục vụ trực tiếp và gián tiếp, tốc độ tăng trưởng nhân lực 20%/năm. Ngành giáo dục nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng số cho nhân sự du lịch cũng được chú trọng.
Sở VH-TT&DL Khánh Hòa cũng cho biết, tỉnh không ngừng mở rộng liên kết vùng, từ TP.HCM, Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk đến các đối tác quốc tế như Saint Petersburg (Nga), Ulsan (Hàn Quốc), Bắc Úc (Úc). Các hãng hàng không quốc tế, công ty lữ hành lớn đã chọn Nha Trang - Cam Ranh làm điểm đến thường xuyên cho các tour nghỉ dưỡng cao cấp.

Các khu nghỉ dưỡng xanh, hòa mình với thiên nhiên. Ảnh: Phùng Quang.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Khánh Hòa cũng cho rằng: Mặc dù có nhiều bước tiến, ngành du lịch của tỉnh vẫn đối diện một số thách thức, như: sản phẩm chưa đủ chiều sâu và khác biệt, thiếu điểm vui chơi ban đêm, hạ tầng kết nối vùng chưa đồng bộ. Để vượt qua những điểm nghẽn này, Khánh Hòa xác định 10 nhóm giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030. Trong đó, trọng điểm xây dựng chiến lược phát triển du lịch sau sáp nhập tỉnh, quy hoạch đồng bộ hạ tầng, ưu tiên sản phẩm đặc thù gắn bản sắc văn hóa Chăm - biển đảo - sinh thái; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; khuyến khích đầu tư trọng điểm tại Vân Phong và phía Nam tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung quy hoạch lại các tuyến du lịch dọc Sông Cái Nha Trang, hình thành tuyến phố đi bộ, chợ đêm, công viên ven sông, phố ẩm thực, khu nghỉ dưỡng và các trung tâm biểu diễn nghệ thuật. Như vậy, tỉnh vừa tạo điểm nhấn cảnh quan, vừa tạo động lực phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch bền vững.

Du khách Nga đến du lịch Nha Trang. Ảnh: Thanh Thanh.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay: Sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, không gian phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa mới sẽ được tái cấu trúc theo hướng hình thành 4 cụm liên kết chuyên biệt. Trong đó, nổi bật là cụm nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp dọc vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh; cụm du lịch văn hóa Chăm gắn với các di sản vùng Ninh Thuận; cụm sinh thái cao nguyên tại khu vực giáp ranh Lâm Đồng và đặc biệt là cụm du lịch trải nghiệm sa mạc hóa - năng lượng xanh.