Khánh Hòa: Hướng tới thủ phủ năng lượng sạch nhờ điện hạt nhân và logistics
Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đạt tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2025-2030, Khánh Hòa đang tạo dựng hình mẫu phát triển mới dựa trên hai trụ cột chiến lược: điện hạt nhân và logistics - nền tảng quan trọng để địa phương vươn lên thành trung tâm năng lượng sạch hàng đầu cả nước.
Động lực mới cho khát vọng tăng trưởng
Tại Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” do UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, Báo Tiền Phong và Sở Tài chính tỉnh phối hợp tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã cùng nhìn nhận rõ hơn những cơ hội, thách thức và con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.

PGS.TS. Trần Đình Thiên
Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng đánh giá,“Khánh Hòa đang có khí thế mới, động lực mới để hướng tới tăng trưởng bền vững. Mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ là một cuộc trình diễn ngắn hạn mà phải đặt trong tầm nhìn dài hơi, ổn định”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Khánh Hòa cần cách làm “khác thường” để đạt được những mục tiêu “phi thường”, đặc biệt sau khi được mở rộng không gian phát triển nhờ sáp nhập địa giới hành chính với Ninh Thuận.
Sự kết hợp giữa hai địa phương không chỉ đơn thuần là ghép nối địa lý mà là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa và xã hội - nếu khai thác hiệu quả sẽ là bước đột phá chiến lược.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho rằng Khánh Hòa đang có những cơ chế rất linh hoạt theo Nghị quyết 198 và các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua. “Thời gian chính là cơ hội. Nếu không tận dụng nhanh, cơ hội phát triển sẽ bị bỏ lỡ”, ông nhấn mạnh.
Ở góc độ văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng Khánh Hòa có thể trở thành “đô thị văn hóa sáng tạo” nếu biết kết hợp cải cách hành chính với tư duy thiết kế thể chế mềm, lấy văn hóa và cộng đồng làm trung tâm. Với hơn 1.000 di tích lịch sử, hơn 1.500 di sản phi vật thể, Khánh Hòa đang sở hữu kho tàng văn hóa phong phú cần được phát huy trong quá trình phát triển đô thị hiện đại.
Điện hạt nhân - bệ phóng cho thủ phủ năng lượng sạch
Trong chiến lược phát triển dài hạn, điện hạt nhân được nhiều chuyên gia xác định là "đòn bẩy then chốt" giúp Khánh Hòa hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam.

TS. Hoàng Sỹ Thân - Viện Năng lượng nguyên tử
Theo TS. Hoàng Sỹ Thân, Viện Năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng mà còn có khả năng cung cấp nguồn điện ổn định, hiệu suất cao, không phụ thuộc thời tiết - điều kiện tiên quyết cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Đặc biệt, một dự án điện hạt nhân có thể tạo ra tác động lan tỏa lớn về kinh tế - xã hội. TS. Thân dẫn chứng: trong giai đoạn xây dựng cao điểm, một nhà máy điện hạt nhân có thể sử dụng 3.000-5.000 lao động trực tiếp và từ 8.000-12.000 lao động gián tiếp mỗi năm. Nếu có kế hoạch đào tạo bài bản, lao động địa phương có thể chiếm 40-60% tổng nhu cầu này.
Không dừng ở việc tạo việc làm và thu ngân sách, điện hạt nhân còn góp phần thúc đẩy ngành chế tạo thiết bị, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và đặc biệt, giúp giảm phát thải carbon, phù hợp với mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, Khánh Hòa cần chuẩn bị kỹ từ khâu quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng đến xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực và triển khai truyền thông minh bạch nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.
Logistics - Động lực mở rộng không gian kinh tế biển
Song hành cùng điện hạt nhân, logistics là ngành mũi nhọn thứ hai được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa.
TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), nhận định: “Với hơn 385 km bờ biển và hệ thống cảng tự nhiên có độ sâu lý tưởng, Khánh Hòa có đủ điều kiện để trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và cả nước”.

Điện hạt nhân và logistics không chỉ là hai trụ cột kinh tế mà còn là động lực chiến lược giúp Khánh Hòa mở rộng không gian phát triển
Trong đó, Cảng Cam Ranh là điểm nhấn quan trọng với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 DWT, hiện đạt sản lượng 3 triệu tấn hàng hóa/năm và có thể tăng lên 8-10 triệu tấn vào năm 2030 khi hoàn tất nâng cấp hạ tầng.
VIMC cũng cam kết hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa chuyển đổi Cảng Cam Ranh thành cảng xanh, thông minh, tích hợp công nghệ hiện đại như AI, IoT và Big Data, giúp tối ưu hóa vận hành. Theo tính toán, mô hình logistics đa phương thức - kết nối cảng biển, đường bộ, đường sắt và hàng không - có thể giúp giảm chi phí logistics từ 12-15% xuống dưới 10%, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế.
Điện hạt nhân và logistics không chỉ là hai trụ cột kinh tế mà còn là động lực chiến lược giúp Khánh Hòa mở rộng không gian phát triển, củng cố vai trò trung tâm vùng Nam Trung Bộ. Khi hai “động cơ kép” này được vận hành hiệu quả, kết hợp cùng nguồn lực văn hóa, du lịch và nhân lực sáng tạo, Khánh Hòa hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng hai con số, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội thảo lần này với gần 30 tham luận và hàng loạt đề xuất sắc sảo đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa. Đó không chỉ là khát vọng địa phương, mà còn là minh chứng cho một mô hình phát triển đột phá - nơi năng lượng sạch, logistics thông minh và văn hóa bản sắc cùng hội tụ để tạo nên một cực tăng trưởng mới trên bản đồ kinh tế Việt Nam.