Khánh Hòa - địa phương có bờ biển dài nhất nước với mục tiêu bứt phá về kinh tế
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa là sự cộng hưởng giữa hai vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng: một bên là trung tâm kinh tế biển, du lịch và dịch vụ; một bên đi đầu về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và văn hóa đặc thù. Sự kết hợp hài hòa này giúp tỉnh phát triển cân bằng các lợi thế, thu hút dòng vốn vào du lịch, hạ tầng và dịch vụ. Bức tranh đầu tư đa ngành cho địa phương từng bước khởi sắc.

Du lịch bùng nổ - điểm sáng đầu tiên
Khánh Hòa, Ninh Thuận là 2 địa phương nằm liền kề nhau có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, cảnh quan và truyền thống lịch sử. Không gian văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc được hình thành trên nền tảng cộng hưởng giữa biển và núi, giữa cư dân đô thị và đồng bào các dân tộc, tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trong cấu trúc kinh tế - xã hội địa phương. Trong bức tranh phát triển đó, du lịch chính là ngành bứt phá đầu tiên, sớm ghi dấu là điểm sáng rõ nét sau sáp nhập.
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng bắt tay vào việc thiết kế các tour mới kết hợp đa dạng giữa biển, núi và văn hóa truyền thống, tạo nên chuỗi trải nghiệm phong phú cho du khách. Nếu trước đây, Khánh Hòa hấp dẫn khách với những bãi biển xanh trong, san hô rực rỡ, các resort cao cấp... thì giờ đây, hành trình khám phá trở nên phong phú hơn nhiều. Trong ngày, du khách có thể đón bình minh trên vịnh Vân Phong yên bình, trưa vượt đèo Khánh Sơn quanh co giữa đại ngàn hoang sơ, ghé thăm bản làng Raglai để thưởng thức tiếng đàn chapi, ăn cơm lam. Du khách cũng có thể tự tay hái những chùm nho căng mọng tại vườn nho trĩu quả, trải nghiệm nghệ thuật làm gốm Bầu Trúc, xem múa chăm, chương trình nghệ thuật… tất cả tạo nên sự kết nối tuyệt vời giữa thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Chị Nhã Linh (du khách từ Hà Nội) chia sẻ: "Tôi từng đến Khánh Hòa nhiều lần, nhưng chưa bao giờ có trải nghiệm toàn diện và sống động như lần này. Tôi chọn chuyến đi này vì muốn các con được trải nghiệm nhiều hơn ngoài sách vở. Các bé rất thích khi được tắm biển, hái nho … Mỗi điểm dừng chân đều mang lại một cảm xúc rất riêng, thực sự là hành trình đáng nhớ".

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Trần Quốc Nam - khẳng định, địa phương hội tụ đủ các yếu tố để bứt phá vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh : Xuân Hướng
Không chỉ dừng lại ở nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều doanh nghiệp đang chủ động đưa văn hóa truyền thống vào không gian dịch vụ để tạo dấu ấn riêng. Alma Resort (là một trong những đơn vị đi đầu xu hướng này, chương trình Alma Show được tổ chức định kỳ như một điểm nhấn văn hóa độc đáo, kết hợp âm nhạc dân tộc, trình diễn truyền thống và các hoạt động tương tác với du khách.
Ông Herbert Laubichler-Pichler - Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Alma - chia sẻ: "Khánh Hòa không chỉ có biển đẹp, mà còn sở hữu chiều sâu văn hóa rất riêng. Nhưng giá trị đó đôi khi chưa được thể hiện trọn vẹn với du khách quốc tế. Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra một hành trình kể chuyện qua nghệ thuật, từ múa rối nước đến điệu múa truyền thống của người Chăm… Đây là cách để kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu và giúp du khách gắn kết sâu sắc hơn với văn hóa một cách chân thật nhất".
Song song với sự phát triển của doanh nghiệp, người dân địa phương cũng góp phần làm phong phú trải nghiệm du lịch, đồng thời gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Họ không chỉ là những người chủ thể trong các hoạt động du lịch cộng đồng mà còn là cầu nối trực tiếp đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với du khách.
"Từ khi du lịch phát triển, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi nhiều. Tôi vui khi được gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ văn hóa của người Raglai với khách. Khách du lịch rất thích các loại nhạc cụ, đồ thủ công truyền thống. Họ hay mua về làm kỷ niệm nên mọi người làm, điều đó mang lại niềm vui và tự hào lớn cho cả cộng đồng", già Thái - nghệ nhân chế tác và chơi được các loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai tại Khánh Sơn - bày tỏ.

Múa Chăm là điểm nhấn văn hóa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đưa vào sản phẩm du lịch.
Khẳng định sức hút đầu tư
Phát triển du lịch và các ngành kinh tế liên quan không thể thiếu sự đồng hành của các nhà đầu tư. Sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn sẽ mang đến nguồn lực tài chính, công nghệ và quản lý hiện đại, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đầu tư đúng hướng không chỉ tạo nên các điểm đến hấp dẫn mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương và góp phần nâng cao đời sống xã hội.
Theo ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (mới) có diện tích trên 8.555 km2, quy mô dân số hơn 2,2 triệu người, với 65 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 01 đặc khu Trường Sa. Khánh Hòa là tỉnh có đường bờ biển dài nhất cả nước với trên 490km đã tạo ra không gian phát triển mới cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi, thời cơ mới đưa tỉnh Khánh Hòa sớm hiện thực hóa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Lượng du khách tăng đưa Khánh Hòa trở thành tâm điểm đầu tư vào du lịch và dịch vụ.
Đây không chỉ là sự tin tưởng của Trung ương mà còn là sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, cũng như sự kỳ vọng của các Nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong hành trình phát triển này, kinh tế tư nhân được khẳng định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa xác định cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục là lực lượng tiên phong, đồng hành cùng địa phương trên hành trình hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo và phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam khẳng định: "Mỗi doanh nghiệp đều có nhiều lựa chọn điểm đến đầu tư. Nhưng Khánh Hòa hôm nay - với thể chế đặc thù, chính quyền hành động và không gian phát triển mới - đang mở ra một "cánh cửa vàng" cho hợp tác lâu dài và phát triển bền vững. Tôitin rằng, một vùng đất được người dân cả nước mong muốn đến để sinh sống cũng chính là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư khởi đầu những hành trình lớn".
Trong 6 tháng đầu năm 2025, dù chưa sáp nhập chính thức, hai địa phương đã tích cực triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả bước đầu cho thấy đà tăng trưởng khả quan: GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng 7,33%; thương mại, dịch vụ lần lượt tăng 10,2% và 8,7%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 42.000 tỷ đồng; thu hút 61 dự án với gần 389.000 tỷ đồng vốn đăng ký; doanh thu du lịch đạt hơn 34.000 tỷ đồng... Chương trình xóa nhà tạm hoàn thành sớm, đưa tỉnh vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước.
Địa phương này đã đón lượng khách kỷ lục sau sáp nhập. Riêng trong tháng 7/2025, các cơ sở lưu trú đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đạt 441.000 lượt (tăng 2,8%) và khách nội địa đạt 1,86 triệu lượt (tăng 5,2%). Tổng thu du lịch trong tháng 7 ước đạt 8.340,9 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Đồng thời, nhiều dự án nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ liên tiếp được triển khai, tạo sức hút lan tỏa sang hạ tầng, đô thị và thương mại.