Khẩn trương phòng bệnh sốt xuất huyết

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có số ca mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại xã Trảng Bom để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: H.H

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại xã Trảng Bom để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: H.H

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường diễn tiến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đồng Nai ghi nhận hơn 6,5 ngàn ca bệnh

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, trong tuần qua (từ ngày 3 đến 10-7), toàn tỉnh ghi nhận 459 trường hợp mắc SXH phải vào viện điều trị. Trong đó, số ca mắc tăng cao tại 4 khu vực: Tân Phú, Định Quán, Long Thành và Thống Nhất.

Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến ngày 10-7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 6,5 ngàn ca bệnh SXH, tăng gần 4,1 ngàn ca so với cùng kỳ năm ngoái; 1 ca tử vong. Đáng lưu ý, tỷ lệ người bệnh trên 15 tuổi chiếm đến gần 53% tổng số ca mắc.

Cho đến nay, dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh trong thời gian tới là rất lớn. Số ca bệnh tăng cũng sẽ kéo theo số ca bệnh nặng tăng.

Khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho 5 bệnh nhân bị sốc SXH. Trước đó ít ngày, khoa đã điều trị thành công cho một bệnh nhân bị biến chứng SXH rất nặng.

Ths-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho hay đó là bé trai 12 tuổi, ngụ phường Biên Hòa, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, tụt huyết áp. Bệnh nhân được xác định bị sốc SXH nên được tiếp tục truyền dịch chống sốc (trước đó, bệnh nhân đã khám và truyền dịch tại một bệnh viện tư nhân).

Quá trình điều trị, bé sốt cao, nước tiểu màu đỏ, thở gắng sức, tăng men gan, suy thận. Các bác sĩ phải truyền huyết tương tươi, tiểu cầu, albumin, kháng sinh, hỗ trợ hô hấp bằng thở áp lực dương liên tục cho bệnh nhân. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, nước tiểu từ màu đỏ chuyển dần sang hồng nhạt, rồi vàng trong, hô hấp cải thiện, suy thận giảm, hết sốt, ăn uống khá hơn.

Sau 7 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm, được chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới để tiếp tục được chăm sóc, theo dõi cho đến khi xuất viện.

Còn Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 40 ca bệnh SXH, trong đó có 2 ca bệnh nặng. Khoa Nhi của bệnh viện này cũng đang chăm sóc, điều trị cho 10 trẻ nhỏ mắc SXH.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hồng Thanh, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết so với những tháng trước, số ca bệnh SXH đang gia tăng. Để phòng bệnh nặng, cả trẻ em và người lớn nếu bị sốt cao, sốt cao không hạ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà vì dễ bỏ lỡ thời điểm phát hiện dấu hiệu cảnh báo của bệnh.

Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 100 ngàn ca mắc bệnh SXH và khoảng 100 ca tử vong. Bệnh diễn ra quanh năm nhưng thường tăng mạnh trong khoảng tháng 6 đến tháng 11. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 32 ngàn ca mắc SXH, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Hiện đang bước vào cao điểm của bệnh SXH.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, bệnh SXH có thể xảy ra quanh năm. Đồng Nai lại đang vào cao điểm mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để muỗi và lăng quăng phát triển, nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH khá cao.

Để phòng ngừa dịch bệnh SXH bùng phát, CDC Đồng Nai đã có văn bản đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế khu vực trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đơn vị để người dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không chủ quan, không hoang mang lơ là, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Bác sĩ chuyên khoa I Cao Văn Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai, khuyến cáo, để phòng bệnh SXH, người dân hãy tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng, chặn đứt nguồn lây bệnh. Mỗi gia đình, mỗi người dân hãy dành 10-15 phút mỗi tuần để vệ sinh nơi mình làm việc, sinh sống; đậy kín nắp bể nước và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Ngoài ra, người dân cần thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngay cả khi ngủ trong phòng máy lạnh, người dân cũng nên ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt. Người dân cần mặc quần dài và áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với các đơn vị trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch… Bên cạnh đó, người dân có thể chủ động tiêm vaccine phòng bệnh SXH song song với các biện pháp phòng bệnh thông thường, đơn giản mà hiệu quả nêu trên.

“Ngành y tế đang tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, kiểm soát vector truyền bệnh, tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch sớm và triệt để. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và hệ thống chính trị. Chúng tôi hy vọng Chiến dịch Ngày cuối tuần phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới” - bác sĩ Dũng chia sẻ.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202507/khan-truong-phong-benh-sot-xuat-huyet-68a3974/
Zalo