Khẩn trương khôi phục sản xuất sau bão số 3

Bão số 3 gây mưa lớn cùng với triều cường khiến hàng nghìn héc-ta lúa mùa trên địa bàn tỉnh bị ngập. Ngành nông nghiệp, các đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, huy động tổng lực tiêu thoát nước, khôi phục sản xuất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa, bão.

Nông dân xã Đông Tiền Hải khẩn trương cấy lại diện tích bị thiệt hại do ngập úng.

Nông dân xã Đông Tiền Hải khẩn trương cấy lại diện tích bị thiệt hại do ngập úng.

Tiêu úng kịp thời, nhanh chóng

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên phục vụ có lượng mưa trung bình hơn 100mm, có nơi trên 200mm. Tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu nước, chống úng cho cây trồng, những ngày qua, Công ty đã tổ chức vận hành tối đa các công trình tiêu úng. Đội ngũ công nhân được huy động tập trung kiểm tra, kịp thời giải tỏa ách tắc trên hệ thống kênh tiêu, kênh dẫn và trước lưới chắn rác của bể hút các trạm bơm. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời điểm cao điểm nhất, Công ty huy động 77 trạm bơm với 207 máy bơm các loại, khẩn trương tiêu thoát nước chống úng cho cây trồng. Kết quả đến thời điểm hiện tại không có diện tích cây trồng bị ngập úng.

Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, huy động tối đa nhân lực, máy bơm để tiêu úng. Ông Nguyễn Đình Chương, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (HTX SXKD DVNN) Thụy Bình, xã Thái Thụy cho biết: Hiện nay, 60/260 héc - ta lúa mùa của HTX bị ngập. HTX đã sử dụng hai máy múc để vớt bèo, giải tỏa ách tắc dòng chảy. Với diện tích không bị ngập, HTX đang tuyên truyền nông dân khẩn trương bón thúc đúng kỹ thuật, dứt điểm trước ngày 30/7.

Anh Phạm Văn Sự, thôn An Ninh, xã Thái Thụy, cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 12 mẫu, chủ yếu là các giống lúa BC15, TBR225 và BTR97. Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa to tập trung trong thời gian ngắn khiến toàn bộ diện tích bị ngập. Ngay sau mưa ngớt, tôi cùng các hộ dân trong thôn khẩn trương khơi rãnh, nạo vét mương máng để tiêu nước. HTX đã huy động máy móc vớt bèo trên các tuyến kênh nội đồng. Sau hai ngày, nước thoát nhanh, đến nay chỉ còn khoảng 1 mẫu bị ngập. Tôi đã chuẩn bị sẵn lượng mạ dự phòng, sẽ dặm lại diện tích bị thiệt hại. Đến 8 giờ ngày 24/7, theo thống kê của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Thái Thụy, tổng diện tích lúa bị ngập úng sau bão số 3 là hơn 500 héc - ta. Bà Đoàn Thị Hà, Giám đốc Xí nghiệp, cho biết: Chúng tôi đã mở toàn bộ hơn 40 cống dưới đê và các cống ngang để tiêu úng. Cùng lúc, 3 trạm bơm lớn gồm Hệ, Khái Lai và Thủy Nguyên được vận hành với tổng số 31 máy bơm, công suất 1.800 - 4.000 m3/giờ/máy. Hệ thống tiêu được phân vùng theo từng khoảnh, vận hành bơm luân phiên. Công tác khơi thông kênh mương nội đồng được chuẩn bị kỹ từ đầu vụ đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tiêu thoát nước nhanh chóng trong đợt mưa lớn này.

Nhờ thực hiện quyết liệt, khẩn trương các biện pháp tiêu thoát nước, theo ghi nhận của phóng viên, đến sáng ngày 24/7, mực nước trên đồng giảm đáng kể. Ngập úng chỉ còn tại cục bộ một số diện tích trũng, thấp, vùng gieo thẳng cây lúa còn thấp.

Trạm bơm Hệ vận hành bơm tiêu úng.

Trạm bơm Hệ vận hành bơm tiêu úng.

Khẩn trương khôi phục sản xuất

Trước khi bão số 3 đổ bộ, anh Bùi Văn Kiên, thôn Kênh Xuyên, xã Đông Tiền Hải đã cấy được 5 trên tổng số 8 mẫu ruộng. Mưa lớn gây ngập úng, thiệt hại khoảng 4 mẫu vừa gieo cấy. Anh Kiên cho biết: Diện tích ruộng tôi thuê, mượn để gieo cấy nằm trong vùng khó tiêu thoát nước nên ngay khi có mưa lớn, tôi đã ngâm thêm thóc giống dự phòng để cấy, dặm những diện tích thiệt hại. Ngay sau khi nước rút, vợ chồng tôi khẩn trương cấy lại diện tích thiệt hại bằng lượng mạ còn lại, đồng thời chăm bón, phòng trừ ốc bươu vàng gây hại với diện tích không bị ảnh hưởng.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Môi trường, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập, úng khoảng 11.000 héc - ta lúa mùa, trong đó 7.000 héc - ta gieo thẳng, 4.000 héc - ta lúa cấy. Ông Trần Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trung tâm đã phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường xuống các địa phương hướng dẫn kỹ thuật để phục hồi, chăm sóc cây trồng sau bão. Trong đó, đề nghị các địa phương bằng mọi biện pháp tiêu nước, đặc biệt là các vùng úng trũng bị ngập lúa, phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp xử lý phù hợp. Diện tích lúa bị ngập không có khả năng hồi phục cần sử dụng lượng mạ dự phòng đã gieo và chủ động ngâm ủ các giống lúa ngắn ngày (TBR1, Đài Thơm 8, Nếp 97...) gieo cấy lại; sau gieo cấy lại cần chủ động ngay các biện pháp diệt ốc bươu vàng và chuột hại để bảo vệ sản xuất. Những diện tích lúa có khả năng hồi phục, bộ rễ còn trắng, điểm sinh trưởng còn tươi thì khi tiêu nước tiến hành làm sạch lá lúa, té nước rửa lá để không bị rong rêu, bùn đất bám trên bề mặt lá, thuận lợi cho cây lúa quang hợp, phun các chế phẩm sinh học như KH, ET, siêu lân, Pennac P... giúp cây phục hồi nhanh, chủ động phòng trừ ốc bươu vàng bảo vệ sản xuất kịp thời. Đối với cây rau màu, hầu hết diện tích rau màu bị dập nát, khả năng phục hồi thấp, cần khẩn trương tiêu thoát nước. Với những diện tích rau màu còn có thể phục hồi, cần tỉa bỏ những cây, lá bị dập nát, khi thời tiết thuận lợi phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng Validacin 5SL hoặc Anvil 5SC với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất...

Đến ngày 24/7, tình trạng ngập úng vẫn còn tại một số diện tích trũng, thấp, vùng gieo thẳng.

Đến ngày 24/7, tình trạng ngập úng vẫn còn tại một số diện tích trũng, thấp, vùng gieo thẳng.

Lưu Ngần - Nguyễn Thắm

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao-so-3-3182988.html
Zalo