Khám phá trực thăng ALPiN VTOL – bước đột phá công nghệ tại IDEF 2025

Trực thăng không người lái ALPiN tại IDEF 2025, cho thấy tham vọng công nghệ tự chủ và khả năng tác chiến vượt trội của Thổ Nhĩ Kỳ.

ALPiN có bán kính điều khiển lên tới 200 km, tốc độ bay 107 km/h và tốc độ tối đa 203 km/h (Nguồn ảnh: Army Recognition)

ALPiN có bán kính điều khiển lên tới 200 km, tốc độ bay 107 km/h và tốc độ tối đa 203 km/h (Nguồn ảnh: Army Recognition)

Khả năng tác chiến đa nhiệm trong môi trường phức tạp

Tại triển lãm IDEF 2025, trực thăng không người lái ALPiN do Titra Teknoloji phát triển thể hiện rõ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc củng cố khả năng tự chủ công nghệ trong lĩnh vực hệ thống bay không người lái.

ALPiN được phát triển dựa trên khung một trực thăng 2 chỗ ngồi thông thường, sau đó chuyển đổi thành hệ thống không người lái nhờ tích hợp các bộ chấp hành servo chuyên dụng và hệ thống lái tự động độc quyền.

Đây là trực thăng không người lái đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ có thể cất hạ cánh thẳng đứng hoàn toàn tự động chỉ bằng một nút lệnh.

ALPiN được thiết kế thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn tự động, có thể chở tối đa 200 kg tải trọng (gồm nhiên liệu), kết hợp với khả năng bay hơn 9 giờ liên tục và trần bay 6.400 m, phù hợp với hoạt động trong môi trường chiến thuật phức tạp trên bộ hoặc trên biển, cả ngày lẫn đêm.

Hệ thống hỗ trợ các nhiệm vụ trinh sát, giám sát, thu thập mục tiêu và do thám (ISTAR), cũng như triển khai hậu cần tại những khu vực mà máy bay thông thường khó tiếp cận.

ALPiN có bán kính điều khiển tới 200 km, tốc độ hành trình 107 km/giờ và tốc độ tối đa 203 km/giờ. Hệ thống sử dụng động cơ xăng (175 lít) và vận hành trong điều kiện gió tới 37 km/giờ, được trang bị động cơ công suất 130 mã lực.

Nhờ khả năng ổn định tích hợp, ALPiN có thể treo tại chỗ, xoay quanh trục (pirouette) để theo dõi mục tiêu và có thể trang bị nhiều loại tải trọng tùy yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, hệ thống còn thích hợp cho các ứng dụng dân sự như quan sát nông nghiệp, ứng cứu khẩn cấp, truyền thông tiếp sóng và triển khai như một trạm gốc di động.

Trang bị công nghệ hiện đại và khả năng mở rộng ứng dụng

Về thiết bị hàng không và điều hướng, ALPiN sở hữu hệ thống bay tự động dự phòng, lập kế hoạch nhiệm vụ thời gian thực với hơn 100 điểm tham chiếu, chức năng tự động quay về điểm xuất phát, ghi nhật ký dữ liệu bay, radar đo độ cao, hệ thống dẫn đường quán tính (INS), liên kết dữ liệu và video mã hóa AES-256, cùng hệ thống liên lạc đa băng L/S, SATCOM và VHF.

Các tùy chọn bổ sung gồm nhận dạng địch – ta (IFF), dẫn đường GNSS chống gây nhiễu và theo dõi mục tiêu qua camera tích hợp.

Hệ thống có thể trang bị camera quang – hồng ngoại (EO/IR), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), LIDAR, cảm biến AIS, cùng các module tình báo tín hiệu (SIGINT) và thông tin liên lạc (COMINT).

ALPiN phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự, gồm hỗ trợ pháo binh thông qua chia sẻ mục tiêu, vận chuyển tiếp tế như đạn dược, lương thực và hỗ trợ hậu cần nhân đạo ở vùng thảm họa.

Các ứng dụng khác gồm lập bản đồ, quan sát khí tượng và phân tích đất. Thiết kế cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) giúp ALPiN không cần đường băng hay hệ thống phóng ngoài, cho phép hoạt động trong địa hình gồ ghề và khó tiếp cận, kể cả vùng núi.

Titra Teknoloji, công ty con của Pasifik Teknoloji, khẳng định vai trò nhà phát triển nền tảng tự động hóa quốc gia.

Sau khi ra mắt ALPiN ban đầu, công ty tiếp tục giới thiệu phiên bản ALPiN-2 nâng cấp với hệ thống lái tự động cải tiến, tăng cường bảo vệ trên khoang trước mối đe dọa mạng và cơ chế vận chuyển mới, thay móc treo bên ngoài bằng tời trong để tăng tính linh hoạt hậu cần.

Theo Army Recognition

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kham-pha-truc-thang-alpin-vtol-buoc-dot-pha-cong-nghe-tai-idef-2025-post741639.html
Zalo