Khám phá những 'vũ khí bí mật' giúp người Nhật luôn có vóc dáng thon thả
Người ta nói rằng thói quen ăn uống độc đáo chính là một phương châm cơ bản giúp người dân Nhật Bản giữ gìn sức khỏe và vóc dáng thon gọn suốt nhiều thế kỷ qua.

Món sushi trong ẩm thực Nhật Bản. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Nhiều người nước ngoài khi đến Nhật Bản thường ngạc nhiên khi thấy người Nhật rất gầy.
Ngoài việc có tuổi thọ trung bình cao, người Nhật còn ít phải đối mặt với tình trạng béo phì hơn so với các quốc gia như Mỹ, nơi tình trạng béo phì gần như là một đại dịch. Ở nam giới, tỷ lệ béo phì vào khoảng 4,8%, trong khi phụ nữ thậm chí còn ít hơn - chỉ 3,7%.
Người ta nói rằng thói quen ăn uống độc đáo chính là một phương châm cơ bản giúp người dân Nhật Bản giữ gìn sức khỏe và vóc dáng thon gọn suốt nhiều thế kỷ qua.
Hara Hachi Bu
Đây là một câu nói tiêu biểu của người Nhật, có nghĩa là "ăn no khoảng 80%." Đây là một triết lý ăn uống, khuyên người ta nên ngừng ăn khi cảm thấy no vừa đủ (khoảng 80%), thay vì ăn đến khi no căng bụng.
Lời khuyên này bắt nguồn từ quan niệm rằng não bộ cần khoảng 20 phút để nhận ra dạ dày đã no, vì vậy, bằng cách dừng lại ở mức bạn cảm thấy no 80%, bạn có thể tránh ăn quá nhiều và dĩ nhiên là lãng phí thức ăn.
Đây có thể là một quan niệm cũ, nhưng khái niệm ăn cho đến khi no 80%, hay hara hachi bu (hay còn gọi là hara hachi bun me), vẫn rất phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là đối với người dân Okinawa.
Trên thực tế, nếu bạn đến Okinawa, bạn sẽ nghe thấy câu nói này được nói trước bữa ăn, đặc biệt là từ những người lớn tuổi, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng đừng ăn quá nhiều.
Bí mật về sự cân bằng trong đồ ăn hàng ngày
Mặc dù rất ngon, đồ ăn Nhật Bản lại chứa nhiều carbohydrate và chất béo, dễ khiến những người quan tâm đến sức khỏe e ngại. Tuy nhiên, nó lại cân bằng hơn bạn nghĩ.
Các loại thực phẩm chứa carbonhydrate như mỳ, cơm đóng vai trò chủ đạo trong các bữa ăn của người Nhật. Tuy nhiên, trên thực tế, người Nhật cũng tiêu thụ rất nhiều protein, và hàm lượng chất béo, chất xơ và vitamin trong chế độ ăn uống của họ rất cân bằng.
Thứ nhất, bạn sẽ không tìm thấy nước sốt nhiều chất béo trong ẩm thực Nhật Bản. Nước sốt được làm để làm nổi bật hương vị của các nguyên liệu, chứ không phải để lấn át hoàn toàn.
Phong cách nấu ăn cũng lành mạnh hơn. Hấp và luộc phổ biến hơn chiên rán, và ngay cả đồ chiên rán cũng không phải chiên ngập dầu mà chủ yếu là xào với ít dầu.
Vậy nên, không hẳn là người Nhật không ăn nhiều carbohydrate như các quốc gia khác, mà là họ ăn rất nhiều protein kèm với nó, cũng như các loại rau củ lành mạnh không bị nấu chín kỹ hay ngập trong nước sốt béo ngậy.
Vô vàn siêu thực phẩm
Bí quyết sống lâu và khỏe mạnh của người Nhật Bản cũng liên quan đến một số loại thực phẩm khá phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản.
Thứ nhất, người Nhật, giống như nhiều người châu Á khác, có rất nhiều đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành trong ẩm thực của họ. Đậu nành rất giàu chất dinh dưỡng, được biết đến với tác dụng ngăn ngừa và chống ung thư.
Hơn nữa, người Nhật cũng thường xuyên ăn đậu nành lên men. Tương miso, một thành phần chính trong nhiều món súp và mì ramen, cũng như nước tương thường được sử dụng, đều được làm từ đậu nành lên men. Thực phẩm lên men được biết đến là giàu vi khuẩn có lợi, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, một sản phẩm phổ biến khác trong các hộ gia đình Nhật Bản là trà xanh hoặc bột matcha, được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu thậm chí còn cho thấy nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và tử vong do tim.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Giảm tiêu thụ đường và thịt đỏ
Người Nhật Bản tiêu thụ đường ở mức vừa phải, họ thậm chí rất ít khi cho thêm đường vào trà hay càphê.
Các loại đường được sử dụng trong nấu ăn Nhật Bản đều là đường lành mạnh. Chúng còn được gọi là đường thô, không qua chế biến, không tẩy trắng, và chứa các khoáng chất lành mạnh như phốtpho, sắt và canxi mà đường trắng tinh luyện không có.
Người Nhật cũng không ăn nhiều thịt đỏ. Thịt đỏ chứa đầy axit béo bão hòa, và việc tiêu thụ thịt đỏ cũng thường liên quan đến bệnh tim.
Thay vì thịt đỏ, người Nhật tiêu thụ hải sản và cá. Không giống như chất béo trong thịt đỏ, chất béo có trong cá rất giàu Omega-3, được biết là có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim, và là một loại thực phẩm bổ sung phổ biến được nhiều người phương Tây sử dụng.
Hầu hết người Nhật Bản không cần những chất bổ sung này vì họ hấp thụ lượng omega-3 một cách tự nhiên, ngay từ nguồn. Vì vậy, không khó để hình dung một người Nhật Bản sẽ khỏe mạnh lâu hơn với chế độ ăn uống như thế này.
Lối sống năng động mang lại nhiều lợi ích
Sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi bộ là những cách rất phổ biến để đi làm hoặc đi học ở Nhật Bản.
Đối với những người sống ở các thành phố nhỏ hơn hoặc ở vùng nông thôn Nhật Bản, tức là inaka, đạp xe đi làm cũng khá phổ biến, đây cũng là một bài tập thể dục hàng ngày.
Có rất nhiều phòng tập thể dục cộng đồng công cộng ở Nhật Bản với giá cả rất phải chăng và không yêu cầu thẻ thành viên, cho phép bất kỳ ai cũng có thể tập luyện đơn giản.
Cuối cùng, bạn sẽ thấy rằng ngay cả khi không tập thể dục ở phòng gym, bạn vẫn sẽ thấy người cao tuổi ở Nhật Bản tự mình đi bộ hoặc chạy việc vặt trên phố. Ngay cả khi đã già, người ta vẫn tìm cách để duy trì hoạt động, giúp họ sống lâu hơn.
Áp lực xã hội: Văn hóa
Việc chỉ ra ai đó tăng cân có thể là một sự xúc phạm ở phương Tây, nhưng điều đó khá bình thường ở Nhật Bản, mặc dù văn hóa che giấu cảm xúc thật của một người là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản.
Việc gầy gò được coi trọng công khai ở Nhật Bản, và việc không gầy gò khiến bạn trở nên nổi bật hơn rất nhiều.
Tất nhiên, điều này không hề độc hại như bạn nghĩ. Nó chỉ là một lời động viên hướng tới một lối sống lành mạnh hơn, giống như những lời than vãn của một người mẹ lo lắng cho con mình.
Văn hóa Nhật Bản cũng chú trọng hơn đến việc ăn uống lành mạnh, ở trường học, trẻ em còn được dạy cách tự nấu một bữa ăn cân bằng cho mình. Việc học nấu ăn được coi là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục trẻ em, từ đó thúc đẩy một lối sống lành mạnh hơn./.