Khai mạc phiên chợ cam Hưng Yên năm 2024
Các sản phẩm đều được gắn nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Diễn ra trong hai ngày 30/11-1/12, phiên chợ cam Hưng Yên năm nay có quy mô 50 gian hàng, trưng bày sản phẩm cam, các loại quả có múi và một số nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Các sản phẩm đều được gắn nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên chia sẻ, Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với nhãn lồng mà nơi đây còn được biết đến với bốn mùa hoa thơm trái ngọt như vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên, chuối tiêu hồng, cam Hưng Yên... Đây là những loại trái cây được đông đảo khách hàng ưa chuộng, tin dùng.
Những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản của tỉnh được đẩy mạnh, đặc biệt là các phiên chợ nông sản như vải, nhãn lồng, cam Hưng Yên được tổ chức đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó vừa trực tiếp mang nông sản chất lượng cao của Hưng Yên tới tay người tiêu dùng vừa quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cam Hưng Yên trao đổi, lắng nghe những góp ý của người tiêu dùng đối với sản phẩm để không ngừng nâng cao chất lượng, phương thức phục vụ.
Để nâng tầm thương hiệu cam Hưng Yên, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; duy trì các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhà vườn. Cùng đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hữu cơ nhằm đưa quả cam chất lượng nhất đến tận tay người tiêu dùng.
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang Lý Thị Hà cho biết, năm nay, hợp tác xã trồng khoảng 30 ha cam, sản lượng ước đạt 200 tấn quả, giảm khoảng 40% so với năm trước bởi bão, lũ. Hiện tại, trung bình mỗi ngày hợp tác xã xuất bán khoảng 1 tấn cam cho thương lái. Đáng chú ý, từ nhiều năm nay, hợp tác xã đã áp dụng sản xuất cam theo quy trình VietGAP và đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.
Theo bà Hà, để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cam, hợp tác xã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Vì thế, sản phẩm cam của hợp tác xã thu hoạch đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó, với giá bán ổn định 50.000 đồng/kg.
Trước đây, cam Hưng Yên chủ yếu được trồng tại huyện Khoái Châu và Văn Giang với diện tích không lớn. Những năm gần đây, diện tích trồng cam của tỉnh không ngừng được mở rộng, hiện nay, cam đã được trồng tại 8/10 huyện, thành phố với diện tích khoảng 2.000 ha, sản lượng hơn 20.000 tấn.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã hình thành ngày càng nhiều trang trại trồng cam với quy trình sản xuất, thâm canh hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm vừa tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã và an toàn cho người tiêu dùng tại Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên...