Khai mạc Lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Sáng 29/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cắt băng khai mạc Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng vào thị trường tỷ dân.

Lãnh đạo các bộ, ngành dự khai mạc Lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sáng 29/9.

Lãnh đạo các bộ, ngành dự khai mạc Lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sáng 29/9.

Sự kiện do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) và các đối tác Trung Quốc.

Lễ hội trái cây Việt Nam với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” được tổ chức tại Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, Bắc Kinh. Đây là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Bắc Kinh, phân phối tất cả các loại trái cây của thế giới nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Lễ hội Trái cây Việt Nam kéo dài trong 2 ngày 29 và 30/9/2024.

Phát biểu tại Lễ hội trái cây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Với sản lượng hàng năm từ 12-14 triệu tấn, các sản phẩm trái cây của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 3,5 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây chế biến, như trái cây sấy khô, đông lạnh, mứt hoa quả, rau củ quả nghiền, nước ép hoa quả…".

Những năm qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; trong đó hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước ngày càng phát triển sâu, rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, bất chấp sự suy giảm của kinh tế toàn cầu.

Minh chứng là, Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và thứ 5 thế giới của Trung Quốc; về cung cấp trái cây và sản phẩm từ trái cây, Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc (sau Thái Lan và Chilê) với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại Thủ đô Bắc Kinh góp phần triển khai, hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Lễ hội đã thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm và phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc (hầu hết các loại trái cây hiện diện ở đây đều đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc).

Trong khuôn khổ Lễ hội này sẽ diễn ra các hoạt động giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, phân phối trái cây Trung Quốc; Chương trình trải nghiệm sản phẩm và Tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Ông Trương Ngọc Tỷ, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa chia sẻ, "Bắc Kinh có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đây cũng là nơi cung cấp rau củ quả chính cho người dân thủ đô, cung cấp tới 90% nông sản tại Bắc Kinh. Tỷ lệ tự cung cấp nông sản của Bắc Kinh thấp, hầu hết nông sản đều đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu từ nước ngoài".

Hàng năm, các sản phẩm nông nghiệp từ 46 quốc gia và khu vực được trưng bày tại Tân Phát Địa, có thể nói “Chỉ cần bước vào Tân Phát Địa có thể thưởng thức ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới”, ông Truơng Ngọc Tỷ nói.

Để nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng nông sản, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác xây dựng và chia sẻ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Tân Phát Địa đã đẩy mạnh mở rộng cơ sở trồng trọt tại Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines, Malaysia và các nước khác, với tổng diện tích 325.000 mẫu Anh.

Trong đó, thanh long, chuối, xoài, dưa hấu, khoai lang tím được trồng chủ yếu ở Việt Nam, với diện tích hơn 20.000 mẫu Anh. Trong tương lai, Tân Phát Địa sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác về sầu riêng, mít, nhãn, chanh leo, măng cụt và các giống cây trồng khác.

Trong 9 tháng 2024, xuất khẩu rau quả là điểm sáng của ngành nông nghiệp, mang về gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng cả năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, với sầu riêng là sản phẩm chủ lực, đạt giá trị 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.

Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35-90%.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm nay có thể đạt kỷ lục vượt mức 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đã đề ra.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khai-mac-le-hoi-trai-cay-viet-nam-tai-bac-kinh-trung-quoc-d226157.html
Zalo