Khai mạc Lễ hội 'Nghiêng say mùa Đông' trên cao nguyên trắng Bắc Hà
Tối ngày 30/11, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà (Lào Cai) khai mạc Lễ hội 'Nghiêng say mùa Đông', nằm trong khuôn khổ Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2024, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ngoài chương trình khai mạc chính vào 19 giờ 30 phút ngày 30/11 tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà, trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc như: Giải du lịch thể thao tổng hợp, Giải marathon vượt núi Tây Bắc lần thứ 3; Ngày hội thể thao các dân tộc huyện Bắc Hà; Hội thi trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; Hội thi ẩm thực "Mâm cơm Bắc Hà"; Hội thi trình diễn nghệ thuật khèn Mông huyện Bắc Hà lần thứ 3.
Bên cạnh đó còn diễn ra một số hoạt động tại Dinh Hoàng A Tưởng như: Tái hiện chợ phiên vùng cao; Tái hiện không gian văn hóa người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao; Trưng bày triển lãm tranh "Bắc Hà bốn mùa nghiêng say"; Lễ hội Hoa hồng; Chương trình biểu diễn "Vũ điệu cao nguyên trắng"; Không gian trưng bày "Thổ cẩm và quà tặng từ hoa hồng"; Tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các nghề thủ công truyền thống.
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2024: Không gian văn hóa dân gian đậm sắc màu dân tộc bản địa
Đêm khai mạc Lễ hội "Nghiêng say mùa Đông", người dân và du khách được hòa mình vào không gian văn hóa dân gian đầy sắc màu của các dân tộc huyện Bắc Hà qua chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề "Về miền Cao nguyên trắng" qua các tác phẩm "Múa bông chàm đi hội", "Lời cây đàn tính", "Người Mông ấm no", "Đám cưới người Nùng"… - thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân trên vùng "Cao nguyên trắng", khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống đẹp giàu của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà.
Gần 200 học sinh trình diễn trang phục dân tộc truyền thống nguyên bản của Bắc Hà
Trong khuôn khổ Lễ hội "Nghiêng say mùa Đông" diễn ra Hội thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, với 6 đội tham gia, bao gồm gần 200 giáo viên và học sinh các đơn vị trường học trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Bắc Hà.
Trang phục trình diễn là những bộ trang phục nguyên bản ngày thường, trang phục lễ hội, lễ cưới, trang phục nữ giới, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai của các dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của từng dân tộc…
Kết thúc Hội thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, Ban Tổ chức đã trao Giải Nhất cho Đội số 4 (gồm các trường trên địa bàn xã Nậm Mòn, Cốc Ly, Nậm Khánh, Bản Liền); Giải Nhì thuộc về Đội số 5 (gồm các trường trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố, Tả Van Chư, Tả Củ Tỷ, Lùng Cải); 2 giải Ba thuộc về Đội số 2 (gồm các trường học trên địa bàn xã Na Hối, Thải Giàng Phố, Lùng Phình) và Đội số 3 (các trường trên địa bàn xã Bảo Nhai, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Nậm Đét); Giải Khuyến khích thuộc về Đội số 1 và Đội số 6.
Ban Tổ chức cũng trao giải Chuyên đề cho Đội có phần thuyết trình trang phục ấn tượng nhất cho Đội số 2 và Đội trình diễn trang phục đẹp nhất cho Đội số 5.
Theo ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Hà (Lào Cai), cuộc thi lần này có sự đổi mới hơn so với những lần trước đó là đưa nội dung trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số vào nhà trường, vì xác định một trong những người giữ gìn văn hóa tốt nhất không ai khác chính là những em học sinh.
Từ ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của các em học sinh, sẽ góp phần lan tỏa trang phục truyền thống ra cộng đồng, thông qua việc các em hiểu hơn về văn hóa trang phục, biết cách làm ra trang phục, mặc và lan tỏa nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình...
Bên cạnh đó, các đội thi đã dàn dựng chương trình trình diễn trang phục các dân tộc như một chương trình nghệ thuật chứ không đơn thuần là giới thiệu trang phục dân tộc, tạo nên sức hấp dẫn cho du khách.
Bắc Hà là huyện vùng cao, nằm ở phía đông bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 70km. Toàn huyện có 67.547 người, gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84% (trong đó dân tộc Mông chiếm 44,15%, Tày 11,18%, Nùng 9,2%, Dao 14,07%, còn lại các dân tộc khác 2,37%).