Khách sạn lắp camera tại phòng ngủ bị phạt sao?
Nếu trong nhà hàng, khách sạn mà lắp camera tại phòng ngủ của khách hoặc phòng ăn của khách hàng là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử lý từ 10 đến 20 triệu đồng…
Sáng 29-11, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM phối hợp với Đoàn Luật sư TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an ninh, an toàn trong nhà hàng – khách sạn.
Vào khách sạn trộm tài sản của khách
Theo cáo trạng giả định, do không có tiền tiêu xài, H nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên rủ C cùng thực hiện. Trước khi đi, H nói với C sẽ đến khách sạn thuê phòng để lợi dụng sơ hở của khách sạn và của khách thuê phòng trộm tài sản.
Tối ngày 19-4-2024, cả hai đến thuê một phòng trong khách sạn tại quận 1.
Đến khoảng 3h ngày 20-4-2024, H đi xuống quầy lễ tân thì thấy nhân viên lễ tân nằm ngủ. H đi đến lấy hai chìa khóa máng trên quầy, sau khi lấy xong H đi lên tầng 3.
Cả hai đi đến phòng 307 mở cửa vào phòng, còn C đứng gần thang máy để cảnh giới. H vào phòng 307 thì thấy anh D nằm ngủ, trên giường có 1 laptop, trên bàn có 1 máy chụp ảnh. H lấy máy chụp ảnh đem về phòng rồi trở lại phòng 307 để lấy tiếp laptop. H đi đến giường của anh D, dùng tay đưa qua người của anh D để lấy laptop.
Lúc này anh D thức giấc, thấy H định lấy laptop nên chụp tay của H và hô hoán lên. Sau đó, khách sạn đã gọi công an phường. Kết luận định giá laptop trị giá 92 triệu đồng, máy ảnh trị giá 105 triệu đồng.
Từ đó, VKS truy tố các bị cáo tội trộm cắp tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tại phiên tòa VKS đề nghị xử phạt H từ 4 đến 5 năm tù và bị cáo C từ 2 đến 3 năm tù.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo đã cấu thành tội trộm cắp tài sản, tuyên phạt bị cáo H 4 năm tù, C 2 năm tù.
Khách sạn lắp camera tại phòng ngủ có vi phạm?
Sau khi phiên tòa giả định, các luật sư cũng đặt ra các câu hỏi tư vấn. Đáng chú ý câu hỏi được đặt ra là: Trường hợp khách hàng vào thuê phòng nhà nghỉ, khách sạn là một đôi nam nữ. Sau đó, xuất hiện một nhóm người mang theo hung khí vào yêu cầu cung cấp thông tin phòng nghỉ để gặp khách hàng đánh ghen, đòi nợ, nói chuyện…nhân viên sẽ xử lý như thế nào để không vi phạm pháp luật mà vẫn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng và doanh nghiệp?
Câu trả lời là: Nhân viên khách sạn không cung cấp thông tin của khách hàng mà yêu cầu những người mang hung khí ra khỏi khách sạn và đồng thời báo công an.
Câu hỏi khác cũng khá thú vị là nếu trong nhà hàng, khách sạn mà lắp camera tại phòng ngủ của khách hoặc phòng ăn của khách hàng có vi phạm pháp luật hay không? Tại sao? Chế tài khi vi phạm? Những vị trí nào được phép lắp camera mà pháp luật không cấm?
Câu trả lời đúng là: Việc lắp camera tại phòng ngủ của khách hoặc phòng ăn của khách hàng là hành vi vi phạm pháp luật vì xâm phạm đến đời sống riêng tư được pháp luật bảo vệ theo quy định của BLDS 2015.
Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt đối với hành vi này là 10-20 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân bị phạt 1/2 so với tổ chức). Cạnh đó, việc quay lén hình ảnh, clip riêng tư của người khác để đưa lên mạng xã hội tùy trường hợp còn có thể bị xử lý hình sự.
Một luật sư khác cũng lưu ý camera chỉ gắn những nơi công cộng (như khu vực lễ tân, khuôn viên chung, hành lang, bãi xe…) để đảm bảo an toàn cho khách sạn nói chung và cho khách thuê phòng nói riêng…
Tuy nhiên, đối với các khu vực có tính riêng tư, nhạy cảm như phòng ngủ, toilet, phòng thay đồ…nếu đặt camera ở những khu vực này sẽ là phạm pháp.