Khả năng Israel và Syria bình thường hóa quan hệ

Sau gần 14 năm nội chiến, chính phủ mới tại Syria đang nỗ lực thiết lập lại các mối quan hệ trong khu vực. Cùng thời điểm, dư luận cũng tập trung theo dõi diễn biến liên quan đến quan hệ Syria- Israel.

Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Ảnh: AA/TTXVN

Theo Al Jazeera, đã xuất hiện nhiều thông tin về các cuộc đàm phán giữa Syria và Israel, thậm chí còn có cả mốc thời gian cho khả năng bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Về mặt kỹ thuật, Syria và Israel vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ cuộc chiến Arab-Israel năm 1948.

Diễn biến gần đây

Truyền thông Israel đưa tin, Syria và Israel đã tham gia đàm phán trực tiếp về khả năng ký kết thỏa thuận bình thường hóa. Bên cạnh đó, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đóng vai trò tạo điều kiện cho hai quốc gia liên lạc, bằng cách thiết lập một kênh bí mật.

Bất kỳ thỏa thuận nào giữa Israel và Syria cũng có thể coi là sự mở rộng của Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa một số quốc gia Arab và Israel, do Mỹ làm trung gian. Hiệp định Abraham là cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông với mục tiêu khuyến khích các nước Arab thiết lập quan hệ chính thức với Israel.

UAE và Bahrain đã ký Hiệp định vào tháng 8 và tháng 9/2020, ngay sau đó là Sudan và Ma-rốc (Morocco). Tiếp theo đó, Tổng thống Trump vận động nhiều quốc gia hơn ký thỏa thuận với Israel. Bản thân Tổng thống Trump đã đến thăm 3 quốc gia Trung Đông vào tháng 5 và khi ở Saudi Arabia, ông tham gia cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Có thông tin rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã khuyến khích ông Ahmed al-Sharaa bình thường hóa quan hệ với Israel.

Ngày 30/6, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết nước này quan tâm tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Syria và Liban. Ông Saar nhấn mạnh: "Israel mong muốn mở rộng quỹ đạo hòa bình và bình thường hóa trong khuôn khổ Hiệp định Abraham. Chúng tôi có lợi ích trong việc đưa thêm các quốc gia, cụ thể là Syria và Liban, những nước láng giềng của chúng tôi, vào quỹ đạo hòa bình và bình thường hóa, đồng thời bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của Israel".

Theo nhiều nguồn tin, Thủ tướng Netanyahu đã đề nghị Đặc phái viên của Mỹ về Syria, ông Tom Barrack hỗ trợ đàm phán thỏa thuận. Báo The Times of Israel cho biết, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel - ông Tzachi Hanegbi đã theo dõi tiến trình trao đổi với các quan chức Syria. Đàm phán bao gồm sự hiện diện của Mỹ và đang trong "giai đoạn nâng cao".

Tuy nhiên, nhật báo Al-Akhbar của Liban đưa tin rằng những nhân vật thân cận với Tổng thống lâm thời al-Sharaa đang yêu cầu chấm dứt hành động của Israel mà không cần Damascus phải chấp nhận bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.

Khả năng bình thường hóa

Binh sĩ Israel triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 15/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 15/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà phân tích cho rằng trong tương lai Syria và Israel có thể bình thường hóa quan hệ, nhưng hiện tại thì gần như không thể.

Giữa Syria và Israel có mối thâm thù sâu sắc, gia tăng trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967 và việc Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan của Syria. Cao nguyên Golan từng là một phần lãnh thổ của Syria. Năm 1967, Israel chiếm phần lớn diện tích khu vực này trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc kế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Trong khi Syria yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gideon Saar quả quyết rằng nếu có thỏa thuận với Syria, Tel Aviv vẫn kiểm soát Cao nguyên Golan.

Khoảng một tuần sau khi Tổng thống Bashar al-Assad rời Syria vào tháng 12/2024, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch mở rộng các khu định cư ở Syria vốn bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Hiện có hơn 31.000 người định cư Israel ở Cao nguyên Golan.

Điều Syria và Israel muốn

Binh sĩ Israel được triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel được triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi chính phủ của cựu Tổng thống Bashar Al-Assad bị lật đổ, Israel đã nhiều lần tấn công Syria, phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự của nước này và kiểm soát lãnh thổ Syria gần biên giới với Cao nguyên Golan. Syria có thể sẽ yêu cầu Israel rút khỏi khu vực mới kiểm soát trong thỏa thuận mới giữa hai quốc gia.

Về phần mình, Israel cảnh cáo chính phủ Syria mới không được triển khai quân đội ở phía Nam Damascus, khu vực gần biên giới với Israel.

Thủ tướng Netanyahu muốn có một thỏa thuận an ninh với khuôn khổ hướng tới kế hoạch hòa bình toàn diện với Syria. Theo Axios, Đặc phái viên Mỹ Barrack tuyên bố vấn đề giữa Syria và Israel là "có thể giải quyết được" và đã đề xuất họ bắt đầu bằng một “thỏa thuận không xâm lược”.

Israel có khả năng sẽ bổ sung các điều kiện vào thỏa thuận với Syria, bao gồm không lập căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, không có sự hiện diện của Iran ở Syria và phi quân sự hóa miền Nam Syria.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kha-nang-israel-va-syria-binh-thuong-hoa-quan-he-20250702111239443.htm
Zalo