Kết nối tour, tuyến cho bảo tàng tư nhân

HNN - Cùng với thiết chế bảo tàng công lập, hệ thống bảo tàng tư nhân ở Huế được xem là điểm sáng trong việc phát huy các giá trị văn hóa, di sản và đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Tuy nhiên, việc xác lập hệ thống tour, tuyến vẫn tùy theo từng bảo tàng với những hướng đi riêng.

 Tham quan Bảo tàng Gốm cổ sông Hương

Tham quan Bảo tàng Gốm cổ sông Hương

Trên địa bàn TP. Huế hiện nay có một số bảo tàng tư nhân như: Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham. Ngoài ra, còn có nhiều không gian văn hóa, lưu niệm khác, nổi bật trong số đó là Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng.

Điểm nhấn trên bản đồ du lịch xứ Huế

Ra đời sớm nhất trong số những bảo tàng tư nhân ở Huế, Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn nằm trên đường Mai Thúc Loan - bên trong Kinh thành Huế, là địa chỉ quen thuộc với rất nhiều du khách đam mê trải nghiệm du lịch văn hóa, di sản. Ngoài các hiện vật được chủ nhân - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho bày biện cố định, Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày chuyên đề về các hiện vật Triều Nguyễn, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Rất nhiều du khách khi đặt chân vào đây đã không khỏi trầm trồ trước hệ thống hiện vật quý. “Nhiều du khách đam mê văn hóa cũng đề nghị tôi đưa đến bảo tàng này. Bởi khi đến đây họ như có một chuyến du lịch, trải nghiệm thu nhỏ nhưng vô cùng thú vị. Nhiều khách dành nguyên cả buổi, thậm chí cả ngày để ngắm nhìn những hiện vật bên trong không gian này”, anh Nguyễn Sỹ - một hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ.

 Chủ nhân Bảo tàng đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn Trần Đình Sơn (trái) giới thiệu với khách thăm về những cổ vật được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: DT

Chủ nhân Bảo tàng đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn Trần Đình Sơn (trái) giới thiệu với khách thăm về những cổ vật được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: DT

Hay như Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng trên đồi Kim Sơn (phường Thủy Bằng cũ, nay là phường Thủy Xuân), từ khi đưa vào hoạt động đã gây ấn tượng bởi sự hoành tráng, chuyên nghiệp, bài bản từ khâu trưng bày các tác phẩm, hiện vật cho đến cách kết nối với tour, tuyến. Vì thế, đây là điểm dừng chân được nhiều du khách, đặc biệt là các du khách quốc tế chọn lựa.

Một bảo tàng tư nhân ở Huế dù ra đời sau nhưng cũng sớm định hình được dấu ấn trên bản đồ du lịch đó là Bảo tàng Gốm cổ sông Hương nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long cũ, nay là phường Kim Long), hướng ra bờ sông Hương thơ mộng. Với hàng ngàn hiện vật xoay quanh câu chuyện về Huế, Bảo tàng đã thật sự tạo ấn tượng với những ai yêu sông Hương, yêu văn hóa Huế. Vì thế, nơi này được nhiều đơn vị lữ hành, tour, tuyến đưa vào khai thác.

Anh Bùi Thanh Phùng - người quản lý Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cho rằng, việc chào mời các đơn vị tour, tuyến đưa khách đến với bảo tàng là một hành trình dài, trải qua rất nhiều thách thức. Ngoài được các đơn vị tự tìm hiểu thì ngay chính Bảo tàng cũng phải bỏ công sức quảng bá, kết nối với các công ty du lịch trong và ngoài nước. Muốn làm được điều đó, trước hết Bảo tàng phải thật sự có sản phẩm tốt trong tay.

“Chúng tôi thông qua nhiều kênh khác nhau để mời các công ty du lịch, lữ hành, các đối tác quốc tế… đến tham quan trước khi đưa khách đến. Đó là hành trình dài và mình phải chỉn chu, tạo được dấu ấn”, anh Phùng nói.

Cần sự gắn kết giữa lữ hành và đơn vị bảo tàng

Ở góc độ của người làm lữ hành, bà Dương Thị Công Lý (Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế) nhìn nhận, du lịch bảo tàng lâu nay vẫn đang là một thị trường ngách, khá kén khách và không dễ khai thác. Trên thực tế, khách đến Huế có nhu cầu trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan các điểm đến, các điểm di tích hơn là tìm hiểu, khám phá ở các bảo tàng. Đặc biệt, mặc dù Huế có nhiều bảo tàng, trong đó có các bảo tàng tư nhân, nhưng khi xây dựng tour hầu như rất khó khai thác khách nội địa, chỉ có một số khách nước ngoài, nhất là khách châu Âu có nhu cầu về du lịch bảo tàng.

Cũng vì nhu cầu khách chưa cao, nên thực tế, công tác quảng bá về du lịch bảo tàng vẫn chưa nhiều, khách vẫn chưa biết đến. Ngoài ra, sự gắn kết giữa lữ hành và các bảo tàng tư nhân đâu đó vẫn còn “khoảng cách”.

Bà Lý cho rằng, để có thể xây dựng và vận hành, đưa các bảo tàng tư nhân vào tour, tuyến cần có sự gắn kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp lữ hành và các bảo tàng. Sự gắn kết đó cũng thể hiện ở khía cạnh gắn kết câu chuyện, phải xây dựng các câu chuyện đủ sức hấp dẫn gắn với từng bảo tàng.

Bên cạnh đó, cần tạo các tour chuyên đề, chủ đề dành riêng cho các đối tượng, đó có thể là những người làm nghệ thuật, kiến trúc, sinh viên nghệ thuật… Mỗi đối tượng có một cách khai thác sản phẩm du lịch khác nhau. Ngoài ra, cần nghiên cứu xem các địa phương bạn có các bảo tàng để kết hợp tạo thành chuỗi dọc, vừa xây dựng tour tham quan, kết hợp học tập, trải nghiệm, nhất là với đối tượng sinh viên. “Điển hình như gốm mỗi nơi sẽ có một quá trình hình thành, lịch sử, chất liệu, giá trị khác nhau… Việc được tham quan, trải nghiệm ở nhiều bảo tàng gốm tạo cơ hội để tìm hiểu sự khác biệt, giá trị đặc trưng, mang lại nhiều kiến thức, thông tin hữu ích cho người có nhu cầu tìm hiểu”, bà Lý cho biết.

Trong khi đó, theo Phòng Quy hoạch và phát triển du lịch, Sở Du lịch TP. Huế, bảo tàng thường là địa điểm thu hút những du khách thích tìm hiểu, khám phá văn hóa, lịch sử. Tại Huế nói riêng, nhiều địa phương ở Việt Nam nói chung, nhu cầu của du khách về du lịch bảo tàng vẫn đang còn hạn chế. Điều đó một phần đến từ việc nhu cầu của khách, nhất là khách nội địa về loại hình du lịch này chưa cao; các bảo tàng cũng chưa thực sự đáp ứng về chất lượng, đủ sức hấp dẫn để thu hút du khách.

Du lịch Huế thời gian qua cũng đã quan tâm loại hình du lịch này, nhưng trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, sức hút du khách vẫn chưa nhiều, chủ yếu một số khách quốc tế mới có nhu cầu. Thêm vào đó, tài nguyên du lịch Huế rất nhiều, do đó, khách có đa dạng sự lựa chọn hơn. Một điểm đáng chú ý là sự kết nối giữa lữ hành và bảo tàng chưa “chặt”; trong đó, ngoài lý do kén khách, thì chi phí cấu thành giá tour cũng là vấn đề. Hiện nay, vẫn có bảo tàng giá vé cao. Trong khi đó, nhu cầu của khách lại muốn giá “mềm”. Để tạo sự cạnh tranh, doanh nghiệp lữ hành luôn muốn xây dựng giá tour với chi phí thấp nhất, giá bán thấp nhất, nhiều điểm tham quan, trải nghiệm miễn phí. Đây cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lữ hành cân nhắc khi đưa các bảo tàng tư nhân vào tour, tuyến.

Để khai thác tốt hơn, ngoài sự gắn kết giữa lữ hành và đơn vị bảo tàng, thì công tác xúc tiến, quảng bá cũng phải được quan tâm hơn. Thường xuyên có các hoạt động, khởi động quảng bá lại về loại hình du lịch này. Ngoài ra, cần quan tâm tìm thị trường, tổ chức cho các doanh nghiệp ngoại tỉnh quan tâm loại hình du lịch này khảo sát đưa vào tour, tuyến. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần có các chính sách hỗ trợ, tư vấn chuyên môn, kỹ thuật để đầu tư hơn nữa nhằm khai thác tốt hơn du lịch bảo tàng.

Nhật Minh - Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/ket-noi-tour-tuyen-cho-bao-tang-tu-nhan-155753.html
Zalo