Kết nối sinh viên với thị trường lao động
Trong bối cảnh hàng nghìn học sinh, sinh viên tại Đắk Lắk tốt nghiệp mỗi năm, nhu cầu tìm kiếm việc làm phù hợp, đúng chuyên ngành đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn trẻ.
Từ thực tiễn đó, việc kết nối cung – cầu lao động, đặc biệt thông qua Ngày hội việc làm, các phiên giao dịch và hoạt động tư vấn nghề nghiệp đang được các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai với nhiều hình thức linh hoạt, thiết thực.
Chủ động tạo cầu nối

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk (phường Buôn Ma Thuột) quan tâm tìm kiếm việc làm phù hợp. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết nối, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.
Nhằm giúp học sinh tiếp cận thị trường lao động thực tế, định hướng rõ hơn về con đường nghề nghiệp sau khi ra trường, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk (phường Buôn Ma Thuột) đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk) tổ chức Ngày hội việc làm để kết nối sinh viên với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, đào tạo trong và ngoài tỉnh.
Em Phạm Ngọc Lan Thư, sinh viên ngành Y sĩ đa khoa, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk chia sẻ, tuy mới là sinh viên năm nhất, nhưng em mong muốn được làm việc đúng chuyên ngành, nhất là tại các cơ sở y tế có chính sách hỗ trợ tốt. Giữa nhiều thông tin tuyển dụng lao động làm việc tại chỗ và du học sinh, đào tạo nghề..., Lan Thư quan tâm tới các thông tin tuyển dụng làm việc tại thị trường Đức. Bởi theo em, các chính sách làm việc tại nước ngoài có nhiều ưu đãi rất hấp dẫn như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí ăn, ở khi qua nước ngoài... điều này khiến em thấy có tiềm năng.
Ông Chung Khánh Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk cho biết, hiện nay nhà trường có hơn 1.000 sinh viên đang theo học và sắp tốt nghiệp. Với định hướng đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn, nhà trường mong muốn thông qua việc kết nối với các công ty, doanh nghiệp, các em không chỉ tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành, mà còn được mở thêm nhiều cánh cửa phát triển sự nghiệp trong tỉnh và học tập, làm việc tại các nước phát triển.
Trường Đại học Phú Yên (phường Tuy Hòa) cũng đã ký kết hợp tác truyền thông với hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên tìm kiếm việc làm và nâng cao kiến thức, kỹ năng. Sinh viên các ngành dịch vụ, du lịch được làm quen với môi trường nhà hàng, khách sạn; sinh viên ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số được trải nghiệm thực tế theo ngành học. Ngoài ra, các em còn được tham gia các hoạt động tham quan, hội thảo gắn liền với đặc trưng theo chương trình đào tạo.
Tiến sĩ Trần Lăng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường gắn kết chặt chẽ với đối tác, doanh nghiệp để thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên về định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm; qua đó, tạo điều kiện giúp sinh viên tiếp cận với các nhà tuyển dụng, tìm kiếm cơ hội thực tập để có việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Liên kết giữa nhà trường và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp là nền tảng để nhà trường xây dựng mô hình hợp tác đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng. Sinh viên được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, cố gắng học tập để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hướng tới hệ sinh thái "đào tạo - hướng nghiệp - việc làm"

Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức Ngày hội việc làm để kết nối sinh viên với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, đào tạo trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN
Song song với mong muốn có việc làm của sinh viên, các công ty, doanh nghiệp tại Đắk Lắk cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh thông tin, với quy mô viện-trường, bệnh viện mong muốn không chỉ tuyển dụng mà còn tìm kiếm nhân lực làm việc và phát triển bản thân, trình độ, năng lực. Hiện, bệnh viện có nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, y sỹ y học cổ truyền... với số lượng lớn, từ 400-500 nhân sự (điều dưỡng, hộ sinh chiếm 200-250 người).
“Chúng tôi mong muốn không chỉ tuyển dụng, mà còn đồng hành, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lâu dài. Người lao động sẽ được làm việc trong môi trường chuyên môn cao với mức thu nhập tối thiểu 7-15 triệu đồng/tháng, có cơ hội học tập và hưởng các chế độ phúc lợi ổn định”, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh thông tin.
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Giám đốc tuyển sinh Công ty Cổ phần Hallo Deustchland chia sẻ, hiện nay các bạn trẻ tại Việt Nam có xu hướng sau tốt nghiệp muốn sang nước ngoài làm việc. Công ty đang giới thiệu thị trường Đức vì nơi này có nhiều tiềm năng, chính sách hỗ trợ. Các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học tiếng tại Việt Nam từ 9-12 tháng rồi sang Đức làm việc với mức thu nhập khởi điểm từ 2.500 euro/tháng (khoảng 75 triệu đồng). Đây là cơ hội lớn để các em phát triển nghề nghiệp và có thể định cư lâu dài tại châu Âu.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối cung – cầu lao động. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Trung tâm đã tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm, tư vấn nghề nghiệp cho hơn 21.400 lượt người và giới thiệu việc làm cho trên 4.000 lao động.
Trung tâm thường xuyên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tư vấn, kết nối việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Đa số các em đều mong muốn làm việc đúng chuyên ngành. Một số em có nhu cầu, định hướng làm việc tại nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Australia... với các ngành nghề điều dưỡng, hộ lý, nhà hàng, khách sạn... Hằng năm, Trung tâm tổ chức 1-2 chương trình ngày hội việc làm tại các buổi khai giảng, bế giảng, lớp học... để các em nắm được thông tin. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phù hợp để tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các em dễ dàng kiếm được việc làm sau khi ra trường, ông Cường thông tin.
Dù vậy, theo ông Cường, quá trình sáp nhập các sở, ngành và khó khăn về nguồn kinh phí đã ảnh hưởng đến khả năng triển khai các chương trình việc làm. Tuy nhiên, Trung tâm đặt mục tiêu cho 6 tháng cuối năm 2025 là tư vấn cho 16.000 – 18.000 lượt người; tổ chức 30 – 36 hội nghị tư vấn nghề nghiệp tại địa phương, trường học, đặc biệt là đẩy mạnh dự báo thị trường lao động để tư vấn ngành nghề sát với nhu cầu xã hội.
Việc tạo cầu nối chặt chẽ giữa người học – nhà trường – doanh nghiệp là hướng đi tất yếu và lâu dài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ nhu cầu thực tế, tỉnh Đắk Lắk đang từng bước xây dựng hệ sinh thái kết nối “đào tạo – hướng nghiệp – việc làm”. Điều này không chỉ giải quyết bài toán nhân lực mà còn tạo điều kiện để giới trẻ sớm ổn định cuộc sống, phát triển nghề nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.