Kết nối cao nguyên, biển xanh và núi rừng để phát triển du lịch canh nông Lâm Đồng
Ngày 1/7/2025, đánh dấu một cột mốc lịch sử khi 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông chính thức sáp nhập, hình thành tỉnh Lâm Đồng mới – một đơn vị hành chính với diện tích lớn nhất cả nước, trải dài từ cao nguyên Tây Nguyên đến Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đà Lạt với đặc trưng của vùng khí hậu ôn hòa và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Ảnh: Chính Thành
Với sự kết hợp độc đáo giữa khí hậu ôn hòa của Đà Lạt, những bãi biển thơ mộng của Bình Thuận và cảnh quan sinh thái kỳ vĩ của Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch canh nông – loại hình du lịch kết hợp nông nghiệp, văn hóa và trải nghiệm thiên nhiên.
Với tiềm năng du lịch canh nông như thế, vấn đề còn lại là tích hợp từ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông như thế nào cho khoa học nhất, để từ đó có định hướng hành trình khám phá những lợi thế du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng mới, từ chính sách pháp lý thuận lợi, nông nghiệp công nghệ cao, đến sự tham gia của cộng đồng địa phương; đồng thời, phác họa bức tranh về một mô hình du lịch xanh, bền vững và đầy triển vọng trong tương lai.

Hồng treo gió - sản phẩm nông sản đặc trưng của Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành
ĐA DẠNG SẢN PHẨM DU LỊCH CANH NÔNG RIÊNG CÓ
Tỉnh Lâm Đồng mới, với diện tích hơn 24.000 km² ( lớn nhất cả nước) và dân số khoảng 3,8 triệu người (xếp thứ 12 cả nước), là sự hội tụ của 3 vùng đất mang những đặc trưng riêng biệt.
Lâm Đồng, nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thơ mộng và nền nông nghiệp công nghệ cao, từ lâu đã là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.
Bình Thuận, với 192 km đường bờ biển và những điểm du lịch nổi tiếng như Mũi Né, Phan Thiết, hay đảo Phú Quý, mang đến sức hút của biển cả và văn hóa Chăm độc đáo.
Đắk Nông, với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và hồ Tà Đùng, được ví như là Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên, là nơi hội tụ vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và tiềm năng nông nghiệp nhiệt đới.
Sự hội tụ này không chỉ tạo ra một không gian hành chính mới mà còn mở ra cơ hội để kết hợp các lợi thế, tạo nên một chuỗi giá trị du lịch canh nông đa dạng, từ cao nguyên đến biển cả. Đây là lợi thế không chỉ khai thác du khách ngoài tỉnh mà còn khai thác du khách nội tỉnh từ cao nguyên đến biển, đảo và ngược lại.
Du lịch canh nông là du lịch diễn ra tại một tiểu vùng sinh thái nông nghiệp có khí hậu trong lành, cảnh quan nhẹ nhàng để trải nghiệm sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản; giải trí, chiêm ngưỡng cảnh quan; trao đổi tri thức văn hóa, giáo dục và khoa học; đồng thời, diễn ra hoạt động giao thương nông sản để khai thác giá trị tổng hợp từ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân từ các hoạt động du lịch canh nông. (Phạm S, 2015);
Du lịch canh nông, với đặc trưng là tham quan và trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, đã phát triển mạnh mẽ tại Lâm Đồng trong hơn một thập kỷ qua. Và giờ đây, mô hình này đang được mở rộng sang Bình Thuận và Đắk Nông.
Như vậy, tỉnh Lâm Đồng mới không chỉ kế thừa những thành tựu của Lâm Đồng, như Quyết định số 2644/QĐ-UBND năm 2015 về thí điểm mô hình du lịch canh nông, mà còn tận dụng các đặc sản nông nghiệp của Bình Thuận (thanh long, hải sản) và Đắk Nông (cà phê, hồ tiêu, nông nghiệp hữu cơ trên núi lửa) để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có.
Với hơn 10 triệu lượt khách tham quan các điểm du lịch canh nông tại Lâm Đồng từ năm 2024, tỉnh mới có nền tảng vững chắc để phát triển loại hình này trên quy mô lớn hơn, hướng tới thị trường quốc tế.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
CHÍNH SÁCH PHÁP LÝ - ĐỘNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THEO XU HƯỚNG DU LỊCH XANH
Một trong những lợi thế lớn nhất của du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng mới là sự hỗ trợ từ các chính sách pháp lý. Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, giúp các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp dễ dàng đầu tư vào các mô hình du lịch canh nông. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần định hình ngay từ đầu chủ thể du lịch canh nông để hỗ trợ cơ sở pháp lý tốt nhất.
Các quy định về thế chấp quyền sử dụng đất cũng được làm rõ, mở ra cơ hội tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi, đặc biệt tại các khu vực nông nghiệp tiềm năng như Đà Lạt, Đơn Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng), Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) hay Đắk Mil (Đắk Nông).
Trước đây, tại Lâm Đồng, Quyết định số 933/QĐ-UBND năm 2021 đã thiết lập quy chế quản lý du lịch canh nông, đảm bảo tính chuyên nghiệp và bền vững đối với rau, hoa, dược liệu, chè, ong mật. Quy chế này hiện đang được điều chỉnh theo Luật Đất đai để áp dụng trên toàn tỉnh mới, với các tiêu chí công nhận điểm du lịch canh nông được xây dựng phù hợp với đặc thù của cả 3 vùng.
Ví dụ, tại Bình Thuận, các trang trại thanh long, các cơ sở nuôi và chế biến yến sào, nuôi trồng thủy sản… kết hợp du lịch đang được khuyến khích phát triển. Trong khi tại Đắk Nông, các mô hình du lịch canh nông gắn với cà phê và hồ tiêu, nông nghiệp hữu cơ được ưu tiên. Những chính sách này không chỉ tháo gỡ các vướng mắc pháp lý mà còn tạo hành lang để thu hút đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của du lịch canh nông trên toàn tỉnh theo xu hướng du lịch xanh.

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh của Lâm Đồng và "linh hồn" của du lịch canh nông. Ảnh: Chính Thành
NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO - ''LINH HỒN'' CỦA DU LỊCH CANH NÔNG
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những trụ cột quan trọng của du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng mới. Tại khu vực Lâm Đồng cũ, hơn 62.000 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao, chiếm 21% tổng diện tích đất nông nghiệp, đã tạo nên những sản phẩm nông sản công nghệ cao nổi tiếng như rau, hoa, chè và cà phê, có doanh thu từ 1 - 3 tỷ đồng/ha (với giá trị bình quân năm 2024 từ 285 triệu).
Các trang trại thông minh với hệ thống tưới tự động, nhà kính điều khiển nhiệt độ và ứng dụng IoT đã trở thành điểm nhấn, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Bình Thuận mang đến một màu sắc khác với các trang trại thanh long – loại cây trồng chủ lực của tỉnh, chiếm hơn 30.000 ha. Các mô hình du lịch canh nông tại đây cho phép du khách tham quan các vườn thanh long về đêm, khi hoa nở dưới ánh đèn, hoặc tham gia thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ thanh long như mứt, rượu vang, hay sinh tố. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và văn hóa Chăm, với các lễ hội như Katê, càng làm tăng sức hút của du lịch canh nông tại Bình Thuận.

Du khách trong nước và nước ngoài trải nghiệm trồng cà phê tại một địa điểm ở xã Trường Xuân, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Phước
Đắk Nông, với hơn 200.000 ha đất canh tác cà phê, hồ tiêu và nông nghiệp hữu cơ trên núi lửa đang nổi lên như một điểm đến du lịch canh nông đầy tiềm năng. Các trang trại cà phê tại Đắk Mil hay Krông Nô không chỉ cung cấp trải nghiệm thu hoạch và chế biến cà phê mà còn kết hợp với các tour khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng các hang động núi lửa và hồ Tà Đùng. Những mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa của các dân tộc như M’ Nông và Ê đê.
Sự kết hợp giữa nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng, nông nghiệp đặc sản của Bình Thuận và nông nghiệp nhiệt đới của Đắk Nông tạo nên một chuỗi giá trị du lịch canh nông đa dạng riêng có và đang có xu hướng phát triển nhanh trong những năm tới nếu các cơ quan thẩm quyền triển khai các thể chế đồng bộ.
Du khách có thể bắt đầu hành trình từ những vườn hoa Đà Lạt, tiếp tục với các trang trại thanh long ở Bình Thuận về phía Đông hay trải nghiệm cà phê tại Đắk Nông về phía Tây, hay từ Bình Thuận lên Lâm Đồng sau đó đến Đắk Nông tạo nên một tour du lịch nội tỉnh độc đáo cũng từ 4 - 5 ngày, mà trước đây là tour du lịch liên tỉnh nay là tour du lịch nội tỉnh.

Sự đa dạng về dân tộc và văn hóa vùng miền là giá trị cốt lõi góp phần vào thành công của du lịch canh nông. Ảnh: Chính Thành
CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG - TRÁI TIM CỦA MÔ HÌNH DU LỊCH
Cộng đồng địa phương là yếu tố không thể thiếu trong sự thành công của du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng mới, nhờ giá trị cốt lõi đa dạng dân tộc và văn hóa vùng miền. Tại Lâm Đồng, mô hình “ba cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng làm – đã mang lại những trải nghiệm chân thực cho du khách, từ việc hái rau tại các trang trại Đà Lạt đến tham gia các lễ hội truyền thống của người K’Ho. Các hoạt động này đã tạo việc làm cho khoảng 150 hướng dẫn viên tại chỗ và hơn 1.000 lao động địa phương, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.
Tại Bình Thuận, cộng đồng người Chăm và các làng chài ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch canh nông. Du khách có thể tham gia các hoạt động như làm gốm Chăm, dệt thổ cẩm, hay tìm hiểu về quy trình nuôi trồng hải sản tại các làng chài ở Phan Thiết. Những trải nghiệm này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn giúp bảo tồn di sản văn hóa Chăm, đặc biệt qua các sự kiện như Lễ hội Katê tổ chức hàng năm.
Ở Đắk Nông, các cộng đồng dân tộc thiểu số như M’Nông và Êđê mang đến những câu chuyện văn hóa độc đáo, từ các điệu múa cồng chiêng đến các món ăn truyền thống như canh lá bép hay cơm lam. Các trang trại cà phê kết hợp homestay tại đây cho phép du khách sống cùng người dân, tham gia thu hoạch cà phê hoặc tìm hiểu về quy trình sản xuất hồ tiêu. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch mà còn góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên.

Phường Xuân Hương - Đà Lạt về đêm. Ảnh: Chính Thành
CẦN NHẬN DIỆN THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI ĐỂ CÓ CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế, du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng mới vẫn đối mặt với một số thách thức. Hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối giữa Đà Lạt, Phan Thiết và Gia Nghĩa, còn nhiều hạn chế, thậm chí còn hạn chế nhất trong 34 tỉnh, thành cả nước, với các đoạn đèo dốc như Quốc lộ 27, 28 vẫn chưa được nâng cấp đồng bộ.
Việc quảng bá quốc tế cũng chưa được đẩy mạnh, khiến lượng khách nước ngoài đến các điểm du lịch canh nông chưa tương xứng.
Ngoài ra, sự chồng chéo trong các quy định pháp lý giữa ngành du lịch, nông nghiệp và xây dựng đôi khi gây khó khăn cho các nhà đầu tư; việc cụ thể hóa về sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP chưa đồng bộ từng cơ sở gây khó khăn cho các chủ thể đầu tư.
Để khắc phục những thách thức này, tỉnh Lâm Đồng mới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc như Dầu Giây – Liên Khương hay Gia Nghĩa – Chơn Thành, nâng cấp Quốc lộ 28 và Quốc lộ 55 để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển nội tỉnh và giữa các vùng.
Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, từ hướng dẫn viên tại chỗ đến kỹ năng quản lý du lịch cho nông dân, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch canh nông Lâm Đồng ở quốc gia và quốc tế thông qua các nền tảng số và hợp tác với các công ty lữ hành để đưa hình ảnh du lịch canh nông của tỉnh ra thế giới.
Thứ tư, các chủ thể cần xác định sản phẩm du lịch canh nông trước xu thế mới – du lịch xanh, có tính mới, độc đáo, thái độ phục vụ niềm nở, giữ chân du khách.
Cuối cùng, cần xây dựng bộ tiêu chí công nhận điểm du lịch canh nông đạt chuẩn, tính khả thi cao, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng mới là một câu chuyện về sự kết nối – giữa cao nguyên và biển cả, giữa nông nghiệp và du lịch, giữa con người và thiên nhiên. Với chính sách pháp lý thuận lợi, nền nông nghiệp công nghệ cao tiên tiến, và sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương, tỉnh Lâm Đồng mới có tất cả những gì cần thiết để trở thành trung tâm du lịch canh nông hàng đầu Việt Nam, thậm chí vươn tầm quốc tế.
Dù vẫn còn những thử thách phía trước, với tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Lâm Đồng mới hứa hẹn sẽ viết nên một chương mới cho du lịch Việt Nam, nơi du khách không chỉ được trải nghiệm mà còn được sống trọn vẹn trong lòng thiên nhiên và văn hóa.