Kết nối bảo tồn với phát triển hệ sinh thái biển là chìa khóa cho tương lai xanh

Đa dạng sinh học biển đang suy giảm nghiêm trọng dưới sức ép từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Việt Nam cần những giải pháp hài hòa để vừa bảo vệ hệ sinh thái biển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đa dạng sinh học biển đang chịu nhiều sức ép từ hoạt động phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các biện pháp cụ thể để bảo vệ hệ sinh thái này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bảo tồn đa dạng sinh học biển không chỉ là trách nhiệm môi trường mà còn là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc thành lập các khu bảo tồn biển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn.

Chính phủ cũng đã thực hiện các cam kết của Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 149/QĐ-TTg.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp mới trong bảo vệ tài nguyên biển, Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Đa dạng sinh học biển Việt Nam và các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học biển”.

Theo TS.Phạm Thị Trầm, Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững, mặc dù có nhiều hoạt động bảo tồn đã được triển khai, song vẫn còn không ít khó khăn và thách thức.

Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển.

Hạn chế lớn nhất hiện nay là năng lực quản lý và giám sát, bao gồm cả nhân lực, tài chính và công cụ kỹ thuật.

Ô nhiễm ven biển, khai thác hải sản trái phép, lấn chiếm không gian sinh thái bởi các hoạt động kinh tế đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế biển chưa bền vững, chính sách bảo tồn thiếu đồng bộ, sự phối hợp giữa các bên liên quan còn hạn chế.

Theo các nghiên cứu gần đây, hơn 70% diện tích rạn san hô tại vùng biển Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng về độ phủ và tính đa dạng sinh học, trong đó có đến 11% đã bị phá hủy hoàn toàn.

Rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn là ba hệ sinh thái biển quan trọng nhất, không chỉ giúp bảo vệ bờ biển trước xói mòn, bão lụt mà còn là nơi sinh sống của hàng nghìn loài sinh vật biển.

Việc mất mát các hệ sinh thái này dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản, giảm khả năng hấp thụ carbon và ảnh hưởng đến chức năng điều hòa khí hậu của đại dương.

Ô nhiễm rác thải nhựa, hóa chất độc hại từ nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến và xây dựng hạ tầng ven biển đang ngày càng nghiêm trọng. Hàng trăm tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh biển và các loài động vật quý hiếm.

PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhấn mạnh, đã đến lúc phải chuyển từ tư duy phát triển kinh tế biển sang kinh tế biển bền vững, nghĩa là vừa khai thác, vừa bảo tồn, sử dụng tài nguyên biển thông minh và có trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Phát triển kinh tế biển bền vững không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức của người dân ven biển về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, giữ gìn rừng ngập mặn, khai thác bền vững đang được đẩy mạnh thông qua các chương trình truyền thông, giáo dục.

Đối với doanh nghiệp, cần khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, thực hiện trách nhiệm xã hội và tuân thủ các quy định môi trường. PGS-TS.Trương Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nhận định: “Phát triển du lịch biển không thể bằng mọi giá. Những mô hình du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn và giáo dục cộng đồng cần được ưu tiên.”

Được biết, hiện Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng sinh học, sở hữu nhiều loài sinh vật quý hiếm và nguồn gen có giá trị.

Cả nước có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 9 khu Ramsar, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 12 vườn di sản ASEAN cùng nhiều chương trình bảo tồn loài, nguồn gen đã và đang được triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vẫn đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Những tổn thất này là không thể đảo ngược nếu không có hành động quyết liệt và kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ket-noi-bao-ton-voi-phat-trien-he-sinh-thai-bien-la-chia-khoa-cho-tuong-lai-xanh-d335603.html
Zalo