Kênh bán online mang lại 99% doanh thu cho hiệu sách độc lập

Nhiều hiệu sách độc lập không xem kênh bán online là đối thủ cạnh tranh, mà có thể linh hoạt khai thác các nền tảng này để duy trì và vận hành công việc kinh doanh.

 Ảnh: The Wiselands Coffee.

Ảnh: The Wiselands Coffee.

Không chỉ các chuỗi bán lẻ với quy mô nhiều cửa hàng, có chiết khấu nguồn cung cao, những cửa hàng kinh doanh độc lập, quy mô nhỏ còn chịu cạnh tranh từ sự nở rộ của các cửa hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, chia sẻ với Tri Thức - ZNews, chủ một số hiệu sách độc lập cho rằng kênh bán online là một nguồn doanh thu quan trọng đối với các thương hiệu nhỏ đang mong muốn tìm kiếm lượng khách hàng riêng và làm nổi bật đặc trưng của mình.

Không xem kinh doanh online - offline là hai kênh xung đột

Kafka bookstore ra đời năm 2014 tại TP.HCM, đến năm 2021 thì chuyển về Trà Vinh. Đến nay đã ba năm nhưng người Trà Vinh đến Kafka mua sách rất ít, theo chia sẻ của chị Thuận - người sáng lập Kafka. Chị kể, thỉnh thoảng có ngày nào nhận được ba đơn hàng ở Trà Vinh thì chị "phấn chấn cả ngày, xách xe tự đi ship ngay vì mình muốn nhìn thấy ba người đó họ là ai".

Về bến đỗ mới, đối tượng khách hàng của hiệu sách không thay đổi, chỉ có giảm đi. Hiện nay tiệm chủ yếu vẫn bán online cho khách ở TP.HCM và một số thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… nhưng phần lớn vẫn là khách ở TP.HCM. Đó là những người luôn muốn ủng hộ Kafka, chọn mua ở Kafka dù Kafka có ở xa chăng nữa. Hiệu sách mất lượng độc giả ở TP.HCM cần sự tiện hơn, nhanh hơn.

 Không gian tại Kafka bookstore. Ảnh: NVCC.

Không gian tại Kafka bookstore. Ảnh: NVCC.

Chị Thuận cho rằng sự ra đời và tồn tại của các kênh bán online là bước chuyển tất yếu của xã hội, của thương mại. Do đó, các nhà phân phối truyền thống vẫn phải nghiên cứu ưu, khuyết điểm của truyền thông, kinh doanh online để khắc phục và phát triển.

Theo chị, không nên xem đây là hai kênh bán xung đột, triệt tiêu nhau mà từ đó bài trừ. Thay vào đó, người bán sách có thể nghiên cứu thế mạnh, thế yếu của mỗi kênh, tệp khách hàng của mình là ai, nhu cầu của họ ra sao để có điều chỉnh, mở rộng phù hợp với bản thân hiệu sách và người mua.

Ngược lại với trường hợp hiệu sách từ offline chuyển qua hoặc tích hợp thêm online, có một số hiệu sách nhờ thành công bước đầu với kênh bán online mà dần mở rộng thêm địa điểm trực tiếp để tăng trải nghiệm khách hàng. Ví dụ trường hợp Quest bookstore - vốn khởi đầu là một hiệu sách online, song gần đây đã bắt đầu mở rộng hình thức bán hàng tại chỗ với kỳ vọng kênh offline sẽ đưa hiệu sách đến gần hơn với bạn đọc.

Kênh online chiếm áp đảo doanh thu

Chị Thành Tâm - chủ hiệu sách Vịt - cho biết 99% doanh thu của tiệm đến từ online, qua kênh mua website, Facebook... Lác đác đơn hàng offline chủ yếu đến từ người quen, bạn bè, khách quen thích nói chuyện với chủ tiệm mới ghé đến.

Theo chị, vấn đề không phải bán online tốt hơn, mà là rất khó để khách hàng tìm đến một cửa hàng nhỏ như hiệu sách Vịt. "Nếu có thể tăng lượt người tới hiệu sách thì mọi mặt hàng bán offline đều dễ hơn", chị Tâm nhận định.

Sở dĩ, khi ở không gian nhiều sách vở, được xem, được tự đọc thử, khách hàng có xu hướng mua nhiều hơn một sản phẩm. Trái lại, khi mua online, có thể họ chỉ mua đúng một món có nhu cầu, ít khi nào tăng số lượng sản phẩm cho đơn hàng.

Với đồ chơi, văn phòng phẩm cũng tương tự, khi nhìn trên online khách hàng thích nhưng có thể chỉ lướt qua, lưu lại, nghĩ lúc nào đó sẽ mua nhưng rồi lại quên. Song nếu đã đến tiệm rồi, đã thích thì thường khách hàng sẽ mua chứ không lần lữa đến dịp sau.

 Một số hình ảnh tại không gian hiệu sách Vịt. Ảnh: NVCC.

Một số hình ảnh tại không gian hiệu sách Vịt. Ảnh: NVCC.

Lý do hiệu sách nhỏ ít người ghé lại thường là vì ít người lựa chọn đọc sách làm hoạt động trong thời gian rảnh. Gia đình đi hiệu sách sẽ chọn chỗ rộng rãi kết hợp với khu vui chơi cho con, mà hiệu sách nhỏ thì không cạnh tranh được với lợi thế địa điểm này. Các bạn trẻ cũng ưu tiên địa điểm đẹp, có không gian tương tự mô hình cà phê sách.

Do đó, chị Tâm không cho rằng việc kinh doanh online đe dọa kênh phân phối truyền thống, mà nghĩ rằng cách này giúp các hiệu sách nhỏ có con đường để cạnh tranh và định hình cá tính riêng của mình. "Một hiệu sách lớn có vô vàn sách để chọn, nhưng hiệu sách nhỏ lại có thể có dòng sản phẩm chuyên biệt riêng", chị Tâm đồng tình với chia sẻ của chủ hiệu sách Kafka. Cách thể hiện trên online cũng giúp khách hàng ghi nhớ và cởi mở hơn với các cửa tiệm nhỏ.

Tuy nhiên, chị cũng lưu ý về những thách thức đặt ra trong bối cảnh kinh tế số với các cửa hàng truyền thống: việc tham gia vào các sàn thương mại điện tử cũng không thuận lợi với các hiệu sách nhỏ lẻ. Bởi lẽ sàn thương mại đưa ra nhiều điều kiện với người bán sách, mỗi lần đưa sản phẩm lên cần kèm theo rất nhiều giấy tờ, mất thời gian, công sức. Bên cạnh đó, mức phí hoa hồng cho sàn còn quá lớn so với lợi nhuận của ngành sách.

Trái lại, làm việc với nhà xuất bản hay đơn vị phát hành thực ra lại dễ dàng. Ngành sách nói chung đều mong bán được, mở rộng được, nên điều kiện trở thành đại lý của nhà xuất bản không quá khó khăn.

"Vấn đề duy nhất (và lớn nhất) là khi đơn vị phát hành tự tổ chức hội sách (khá thường xuyên) và mức giá họ giảm cho khách lẻ thậm chí còn nhiều hơn hiệu sách bọn mình vốn là khách sỉ, mà để lấy một đơn hàng sỉ thì phải bỏ vốn, đọng vốn ở đó rồi bán đắt hơn kênh hội sách, mùa sale lại càng khó. Độc giả cũng thích đi hội sách săn sale chứ", chị Tâm bộc bạch.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/kenh-ban-online-mang-lai-99-doanh-thu-cho-hieu-sach-doc-lap-post1481558.html
Zalo