Kế hoạch tổ chức lễ diễu binh, diễu hành dịp Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội

Nhằm kỷ niệm trọng thể 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025), Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn tại Quảng trường Ba Đình và một số tuyến đường trung tâm vào sáng 2/9/2025.

Các lực lượng vũ trang đồng diễn đội hình, chuẩn bị cho Lễ diễu binh chào mừng 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Khánh Huy

Các lực lượng vũ trang đồng diễn đội hình, chuẩn bị cho Lễ diễu binh chào mừng 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Khánh Huy

Theo kế hoạch được UBND TP Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành Trung ương công bố, lễ diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra từ 6h30 sáng tại Quảng trường Ba Đình. Mở đầu chương trình là các nghi thức trang nghiêm như rước đuốc truyền thống, chào cờ, diễn văn kỷ niệm và phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ khoảng 7h45, đoàn diễu binh, diễu hành sẽ chính thức bắt đầu di chuyển qua các tuyến phố trung tâm của Thủ đô.

Tham gia lễ diễu binh, diễu hành lần này dự kiến có khoảng 30.000 người tham gia (không bao gồm lực lượng diễu binh, diễu hành), bao gồm lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, vận động viên tiêu biểu và đại diện các tầng lớp Nhân dân. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các khối diễu hành mang tính biểu tượng như đoàn xe hoa, đoàn nghệ thuật dân tộc, các mô hình mô phỏng thành tựu phát triển của đất nước trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục…

Đoàn diễu binh, diễu hành sẽ xuất phát từ Quảng trường Ba Đình, di chuyển qua các trục đường: Hùng Vương – Hoàng Diệu – Nguyễn Thái Học – Kim Mã – Liễu Giai – Văn Cao.

Thành phố Hà Nội sẽ bố trí khoảng 270 màn hình LED và 400 loa truyền thanh tại các tuyến đường, cửa ngõ, điểm công cộng phục vụ diễu binh, diễu hành. Việc này nhằm giúp người dân, đặc biệt tại vùng ven, có thể theo dõi trực tiếp sự kiện, đồng thời giảm tải áp lực giao thông vào khu vực trung tâm - nơi diễn ra lễ kỷ niệm chính tại Quảng trường Ba Đình.

Cụ thể, hệ thống màn hình LED sẽ được lắp đặt tại 11 điểm thuộc ba tuyến diễu binh, diễu hành với 14 màn hình; 6 cửa ngõ Thủ đô với 7 màn hình; 136 điểm công cộng cấp phường, xã, ưu tiên tận dụng nhà văn hóa, trường học, sân vận động. Bên cạnh đó, 127 màn hình LED hiện có của doanh nghiệp sẽ được huy động để phát các nội dung tuyên truyền, cổ động sự kiện.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ lắp đặt hệ thống 400 loa truyền thanh, chia làm 200 đoạn tuyến, mỗi đoạn bố trí 1-2 loa, khoảng cách 30-50m, phủ kín tuyến đường diễu hành dài khoảng 10 km. Loa sẽ được treo chắc chắn trên cột điện hoặc cột chiếu sáng, có khả năng chịu mưa gió, phát âm thanh đạt 80-90 dB trong điều kiện ngoài trời.

UBND TP Hà Nội đã thành lập 6 tiểu ban chuyên trách gồm: Tiểu ban Diễu binh, diễu hành; Tiểu ban Tuyên truyền, nội dung và y tế; Tiểu ban An ninh, trật tự và giao thông; Tiểu ban Vệ sinh môi trường; Tiểu ban Vật chất, hậu cần; Tiểu ban Lễ tân. Các tiểu ban có trách nhiệm lên phương án chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành nhằm bảo đảm lễ diễu binh, diễu hành diễn ra an toàn, trang trọng và hiệu quả.

Về giao thông, Công an TP Hà Nội đã chủ trì phương án phân luồng, phong tỏa nhiều tuyến đường trọng yếu quanh khu vực Ba Đình, tổ chức các vòng kiểm soát an ninh, đồng thời khuyến cáo người dân di chuyển sớm, gửi xe bên ngoài khu vực cấm để đi bộ vào các tuyến phố được phép đứng xem diễu hành như Hoàng Diệu, Kim Mã, Liễu Giai.

Lực lượng Quân đội cũng đã tổ chức nhiều buổi tổng hợp luyện tập khí tài quân sự tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia 4 và khu vực Nam Từ Liêm nhằm đảm bảo đồng bộ, chính xác trong các đội hình diễu binh.

Để chào mừng các hoạt động lớn của đất nước, Thành phố tổ chức 2 chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Trung tâm Triển lãm Quốc gia. Các chương trình nghệ thuật địa phương, chiếu phim vùng xa cũng được triển khai.

Đối với Triển lãm và sự kiện đồng hành, Hà Nội sẽ tổ chức không gian trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia (từ 28/8 - 5/9), triển lãm tại di tích 48 Hàng Ngang và Cột Cờ Thăng Long. Đồng thời, sẽ giới thiệu sản phẩm OCOP, di sản văn hóa và du lịch Thủ đô.

Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai các phương án tổ chức Lễ kỷ niệm. Theo đó, chuẩn bị các điều kiện tổ chức sơ duyệt (dự kiến ngày 27/8/2025) và tổng duyệt (dự kiến ngày 30/8/2025); triển khai các phương án đón tiếp đại biểu, Nhân dân đảm bảo trang trọng, chu đáo.

Bên cạnh hoạt động diễu binh ban ngày, vào tối 2/9, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại 5 điểm gồm: hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, hồ Văn Quán, Sân vận động Mỹ Đình và hồ Tây. Mỗi màn bắn pháo hoa dự kiến kéo dài khoảng 15 phút.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ke-hoach-to-chuc-le-dieu-binh-dieu-hanh-dip-quoc-khanh-29-tai-ha-noi-425319.html
Zalo