Kế hoạch tập trận chiến thuật Nga - Belarus giai đoạn hai

Trong giai đoạn thứ hai, quá trình tập luyện chung giữa các đơn vị Nga và Belarus sẽ tập trung vào 'sử dụng chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân phi chiến lược'.

Hôm 11/6, Nga cho biết quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cùng với quân đội Belarus sau khi Moscow bày tỏ quan ngại trước "mối đe dọa" từ các cường quốc phương Tây.

Hình ảnh cho thấy hệ thống phóng tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn thứ hai cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của lực lượng vũ trang Nga và Belarus. Ảnh: Reuters

Hình ảnh cho thấy hệ thống phóng tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn thứ hai cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của lực lượng vũ trang Nga và Belarus. Ảnh: Reuters

Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh châu Âu đang đẩy thế giới đến bờ vực đối đầu hạt nhân khi cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng tỷ USD, một trong số này đã được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 năm 2022, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trong những tình huống khó khăn.

Tháng trước, Nga đã đưa ra lộ trình các cuộc tập trận hạt nhân dưới sự giám sát của ông Putin. Trong giai đoạn đầu của cuộc tập trận, quân đội Nga đã huấn luyện cách trang bị và triển khai tên lửa Iskander, trong khi lực lượng không quân huấn luyện cách vận hành tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong giai đoạn thứ hai, quá trình tập luyện chung giữa các đơn vị Nga và Belarus sẽ tập trung vào "sử dụng chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân phi chiến lược".

Khi được hỏi về cuộc tập trận, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Tình hình ở lục địa châu Âu khá căng thẳng, bị kích động mỗi ngày bởi những quyết định và hành động mới của các quốc gia châu Âu đối đầu với Nga, và trên hết là từ Washington”.

"Do đó, những cuộc tập trận tương tự nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu là rất quan trọng đối với Nga,” ông Peskov khẳng định.

Trong đoạn phim do Bộ Quốc phòng Nga công bố, một hệ thống tên lửa Iskander được di chuyển vào một cánh đồng và nâng lên trạng thái sẵn sàng. Ngoài ra còn có máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31 mang tên lửa Kinzhal và máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tupolev Tu-22M3.

Tổng thống Nga Putin tuần trước cho biết Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng ở Ukraine. Đây là lần phát tín hiệu mạnh mẽ nhất của Điện Kremlin rằng cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Ông Putin cũng cho biết không loại trừ những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó đặt ra các điều kiện để sử dụng loại vũ khí đó.

Phía Mỹ cho biết, không thấy có sự thay đổi nào trong quan điểm chiến lược của Nga, mặc dù các quan chức tình báo cấp cao nói rằng họ phải xem xét nghiêm túc những nhận xét của Moscow về vũ khí hạt nhân.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, hai nước cho đến nay là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 88% vũ khí hạt nhân toàn cầu.

"Vũ khí hạt nhân chiến thuật" được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, do đó thường có sức công phá kém hơn vũ khí hạt nhân chiến lược, loại vũ khí có thể phá hủy toàn bộ một thành phố.

Theo Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử, Mỹ sở hữu khoảng 100 vũ khí hạt nhân phi chiến lược B61 được triển khai ở 5 quốc gia châu Âu - Italia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan. Mỹ có thêm 100 loại vũ khí như vậy trong lãnh thổ của mình.

Nga có khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược, mặc dù các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng rất khó để xác định chính xác số lượng đầu đạn.

Tuần trước, ông Putin cho biết nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có sức công phá 70-75 kiloton - gấp khoảng 5 lần kích thước bom hạt nhân của Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 6/8/1945.

Một trợ lý cấp cao của Nhà Trắng hồi tuần trước khẳng định, Mỹ có thể phải triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm tới để ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc và các nước khác.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ke-hoach-tap-tran-chien-thuat-nga-belarus-giai-doan-hai.html
Zalo