Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất
Lần đầu tiên, Diễn đàn Đất và Nước quốc tế được tổ chức từ ngày 9 - 11/12 tại Bangkok (Thái Lan), vạch ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý tình trạng khan hiếm nước và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe môi trường toàn cầu.
Phát biểu tại diễn đàn toàn cầu mới do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đồng tổ chức, ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO nhận định: “Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới đang bị cạn kiệt ở mức báo động, trong khi các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu đang xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn”.
Qua đó, Diễn đàn sẽ củng cố các cam kết về quản lý đất và nước bền vững và bao trùm; ủng hộ các sáng kiến về công nghệ, thể chế, quản trị và xã hội; xác định các khoảng cách về kỹ thuật và kiến thức, cũng như các ưu tiên nghiên cứu; thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác…
Đáng chú ý, báo cáo “Tình trạng đất bị nhiễm mặn toàn cầu” sẽ được công bố tại Diễn đàn trong ngày 11/12, mang đến đánh giá chính đầu tiên về tình trạng này trong 50 năm qua, từ đó đưa ra ước tính mới về diện tích đất bị nhiễm mặn trên thế giới, đồng thời giới thiệu nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận bền vững nhằm giải quyết thách thức do vấn đề này gây ra.
Trước đó, sự kiện đã thông qua “Tuyên bố cấp Bộ trưởng về quản lý tình trạng khan hiếm nước và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hướng tới các hệ thống nông sản thực phẩm bền vững và linh hoạt”. Tuyên bố sẽ đóng vai trò là khuôn khổ quan trọng để thúc đẩy các hoạt động bền vững, nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp và bảo vệ các hệ sinh thái toàn cầu.
Dịp này, các Bộ trưởng đến từ những quốc gia như Iraq, Nepal, Pakistan, Thái Lan và Timor Leste đã chia sẻ một số quan điểm, nổi bật là tình trạng nước và đất đai ngày càng xấu đi do áp lực dân số và cuộc khủng hoảng khí hậu, tiềm năng cải thiện thông qua phục hồi đất và các kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước, cũng như nhu cầu cấp thiết của các quốc gia đang phát triển về đầu tư và hỗ trợ để đạt được tiến bộ hơn nữa...